ÔNG ANDRÉ FROSSARD, VĂN SĨ CÔNG GIÁO

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


André Frossard (1915-1995) là văn sĩ Công Giáo nổi tiếng người Pháp. Nhưng trước khi được hồng ân gặp Chúa và trở thành tín hữu thực thụ, ông là thanh niên vô thần. 14 năm trước khi qua đời, chính ông kể lại “cú-sét ái-tình” với Chúa, như sau:

Năm 20 tuổi, một ngày thân phụ gọi tôi đến gặp người ở đường Ulm nơi thủ đô Paris. Tôi ra đi, nhưng lộn đường, thay vì đến trường nơi Ba đang dạy, tôi lại vào nhầm tu viện các Nữ Tu Chầu Phạt Tạ, thờ lạy Mình Thánh Chúa GIÊSU KITÔ. Năm ấy, khi đẩy cánh cửa sắt bước vào tu viện, tôi là kẻ vô thần. Có nhiều loại vô thần. Có thứ vô thần triết-lý, vô thần khoa-học, vô thần mác-xít. Nhưng cũng còn một loại vô thần rất phổ thông, đó là thứ vô thần ngu-ngốc, đần-độn. Kẻ vô thần (chính tôi đây) thuộc hạng này, không bao giờ thắc mắc cũng không đặt ra bất cứ vấn đề nào. Họ sống mà không biết tại sao mình sống và cuộc đời này có ý nghĩa hay mục đích gì.

Khi vào tu viện, tôi đi ngang qua nhà nguyện. Từ cánh cửa ở cuối nhà nguyện nhìn thẳng lên bàn thờ, tôi trông thấy Mặt Nhật có đặt Mình Thánh Chúa KITÔ. Tâm trạng tôi lúc bấy giờ hoàn toàn dửng-dưng. Tôn giáo đối với tôi là cái gì cũ-rích, chả đáng quan tâm hoặc bàn luận đến. Các tín hữu Kitô chỉ là loại người chậm-tiến, thụt-lùi trước làn sóng văn minh của khoa-học và lịch-sử. Nói tắt một lời, tôn giáo và các tín đồ tôn giáo là những kẻ thuộc một thế giới khác, một nền văn minh khác, không đáng chú ý!

Thế nhưng điều xảy ra cho tôi vào buổi sáng đi lộn đường ấy, tôi không bao giờ quên. Tôi nhớ như in tâm tình của chàng trai 20 tuổi, bị đảo lộn vì luồng sáng thiêng liêng dọi thẳng vào hồn. Đứng nơi cuối nhà nguyện, đối diện với Mật Nhật đựng Mình Thánh Chúa KITÔ mà tôi không hề biết đó là Mình Thánh Chúa, một thế giới mới bỗng xuất hiện. Một luồng sáng vừa tỏ lộ vừa che khuất sự hiện diện của Thiên Chúa. Một phút trước đó tôi hoàn toàn chối bỏ Ngài và chế nhạo rằng, Thiên Chúa chỉ hiện diện nơi trí tưởng tượng của con người.

Cùng với luồng ánh sáng, tôi cảm nhận một làn sóng dịu dàng. Một niềm vui bao la xâm chiếm hồn tôi, bằng một sức mạnh có thể làm vỡ tim. Tôi không bao giờ quên biến cố độc nhất vô nhị này.

Giờ đây, cuộc đời tôi đi vào buổi xế chiều. Trải qua không biết bao thăng trầm vinh nhục, đớn đau có, hạnh phúc có, nhưng tôi không bao giờ quên “cú-sét ái-tình”. Kỷ niệm quá êm đẹp và ân huệ nhận lãnh quá cao cả, khiến mỗi lần nhớ lại, mỗi khi có dịp nhắc đến, lòng tôi trào dâng niềm cảm tạ. Tôi muốn ca khen lòng Từ Bi Nhân Hậu của Thiên Chúa. Tôi cũng luôn luôn ý thức bổn phận làm chứng cho quyền năng vô biên, tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Ngài đã thực hiện nơi tôi điều kỳ diệu. Từ bùn đất Ngài kéo tôi trở về với chức vụ con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa và được diễm phúc làm con cái Ngài.

Luồng ánh sáng tôi tiếp nhận vào buổi sáng hôm đó, không phải thứ ánh sáng mắt trần có thể trông thấy. Nó là luồng sáng thiêng liêng, luồng sáng giáo huấn, tỏ bày sự thật. Luồng sáng đã đảo lộn trật tự tự nhiên và thay bằng trật tự siêu nhiên. Từ ngày hồng phúc ấy tôi có thể tuyên xưng rằng: “Đối với tôi, chỉ mình Thiên Chúa hiện hữu thật sự, còn những vật khác chỉ là tạm bợ chóng qua”. Tôi cũng có thể quả quyết rằng, vượt ngoài thế giới chúng ta đang sống, có một thế giới khác, chân thực hơn bội phần. Thế giới bên kia mới chính là thế giới cuối cùng mà cuộc đời mỗi người phải dừng lại cho đến đời đời kiếp kiếp.

... Từ ngày bị “ngã ngựa”, y như Saul trên đường Damas, ông André Frossard hoàn toàn biến đổi. Chỉ trong phút giây, ông trở thành tín hữu Công Giáo của Giáo Hội Roma “duy-nhất, thánh-thiện, Công-Giáo và tông-truyền”. Ông André Frossard nói tiếp.

Cuộc trở lại của tôi giống như hiện tượng vật lý hạt nhân. Và khi nhận thức hiện tượng này lời cầu nguyện của tôi tức khắc trở thành lời tán dương. Chúc tụng là lời kinh tuyệt hảo nhất trong mọi lời kinh. Đó là lời kinh của các nhà chiêm niệm thần bí, của những người hồi tâm sau khi chạm trán với sự-thật hiển nhiên. Sự-thật bắt buộc con người phải khiêm tốn chấp nhận và cùng lúc dâng lời ngợi khen Thiên Chúa.

Ngoài hình thức tán-tụng tôi cũng thêm vào đó lời cầu nguyện xin. Đối với tôi, đây cũng là hình thức cầu nguyện không kém phần quan trọng. Ngày nay nhiều tín hữu Công Giáo khinh thường hình thức cầu nguyện này. Thật ra đó là lời cầu nguyện được chính Chúa GIÊSU khuyên dạy. Ngài bảo: “Các con cứ xin thì sẽ được, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Luca 11,9-10). Cầu nguyện và khấn xin rất đẹp lòng Chúa, vì chúng ta cho Chúa cơ hội giúp đỡ, ban ơn cho chúng ta. Tôi thiết nghĩ chúng ta chưa đào sâu đủ ý nghĩa bài dụ ngôn về người con trai hoang đàng (Luca 15,11-32). Tại sao người con lại quyết định lên đường trở về với cha mình? Vì anh thương nhớ cha? - Chắc chắn là không. Vì anh hối hận? - Cũng không phải. Anh trở về với lý do duy nhất vì anh bị đói. Người anh cả hiểu rõ lý do này nên anh ta nổi giận và ghen tức. Người cha cũng biết như vậy. Chỉ khác một điều: tình phụ tử quá bao la và cao cả. Chính người cha chạy ra đón con, khi con trai thứ còn ở xa, rất xa. Ông ôm com vào lòng và truyền giết con bê béo để đãi con, làm mhư thể con trai trở về vì thương nhớ cha già, hoặc vì hối hận lỗi lầm. Hình ảnh người cha nói lên được phần nào tình thương vô biên bất tận của Thiên Chúa là Cha. Quả thật, không bao giờ chúng ta có thể thấu hiểu trọn vẹn tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Tôi tin rằng nếu cầu xin chúng ta sẽ được Thiên Chúa nhậm lời với điều kiện chúng ta cũng phải ở trong tư thế sẵn sàng đánh đổi. Chẳng hạn nếu bạn xin cho một em bé được khỏi bệnh thì bạn phải chấp nhận bệnh tật của bạn. Và thường thường lời cầu của bạn có hiệu quả ngay. Nói thế tức là tôi muốn nêu cao tầm quan trọng của khổ đau, bởi vì khổ đau thật vô giá. Giống như cuộc khổ nạn và Thánh Giá của Chúa GIÊSU KITÔ vậy. Nếu Chúa muốn dùng khổ đau và Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta thì hẳn Ngài có lý do sâu xa để hành động như thế. Đối với chúng ta cũng vậy. Kẻ đau khổ là người đang cầu nguyện, dĩ nhiên là trong tâm tình hoàn toàn chấp nhận khổ đau.

(“STELLA MARIS”, 11/1991, trang 21 + “PRIER”, n.127, Octobre/1990, trang 5-9).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN