BỊ TÙ VÌ TÍN HỮU CÔNG GIÁO

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Năm tôi bước vào tuổi 16 cũng là năm tôi nếm mùi tù ngục. Tôi bị tống giam chỉ vì là tín hữu Công Giáo và là người tổ chức, điều động nhóm sinh viên, đối lập với cái gọi là “hội Công Giáo yêu nước” do chính quyền cộng sản thành lập. Tôi còn bị bắt dưới danh hiệu “thành viên cuồng tín của Tòa Thánh Vatican”. Như thế có nghĩa là “một công dân nguy hiểm cho xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc”.

Niềm đau lớn lao nhất của tôi lúc bấy giờ là bị bắt cùng lúc với thân phụ và bị đưa ra tòa với thân phụ. Bọn công an đã dùng ngọn đòn tâm lý ác độc. Để tra khảo và buộc tôi phải xưng thú hay chấp nhận điều gì, họ liền đánh đập cha tôi trước mặt tôi. Không thể nào diễn tả hết nổi đau đớn tinh thần và thể xác, khi tôi nhìn thấy cha tôi bị đánh đập một cách tàn nhẫn, máu chảy ra từ những cơ phận chính. Phản ứng tự nhiên của tôi là quay mặt đi nơi khác, nhưng bọn công an tàn nhẫn bắt buộc tôi phải chứng kiến cảnh tượng này. Hình ảnh thân phụ tôi bị đánh đập đã in đậm trong tâm trí tôi như hành ảnh vị anh hùng tử đạo, không bao giờ có thể xóa mờ. Ngay khi đó, cha tôi bị kết án tử hình, nhưng rồi không hiểu sao họ lại đổi thành án tù chung thân. Sau 10 năm tù đày, thân phụ tôi được trả tự do, nhưng thật ra là để về nhà và chết tại gia.

Các lính canh tỏ ra thương hại chúng tôi, nhưng họ không làm một hành động nào tốt để giúp chúng tôi, những thanh thiếu niên Công Giáo vô tội. Sau đó bọn tù chúng tôi bị giao cho các lính canh trẻ tuổi hơn, nhưng lại tàn ác hơn. Nếu chẳng may họ tìm thấy trên người hoặc nơi phòng giam chúng tôi những bảo vật tôn giáo như ảnh tượng và tràng hạt Mân Côi, họ liền nổi điên. Họ mắng nhiếc và đuổi chúng tôi ra khỏi phòng, co ro trong những hành lang dài lạnh buốt.

Nhóm tù nhân thiếu niên chúng tôi gồm đủ mọi thành phần. Có những thiếu niên bị tù vì đã tìm đường vượt ra nước ngoài. Những người trẻ này thường không chịu được cảnh tù tội như chúng tôi là những thiếu niên Công Giáo. Chúng tôi tìm cách giúp họ bằng cách từ từ nói với họ về niềm tin tôn giáo. Dĩ nhiên có người chấp nhận, có người từ chối. Trong thời gian bị giam cầm, chúng tôi thường xuyên bị tuyên truyền đầu độc bởi những học thuyết xã hội chủ nghĩa và vô thần, nhằm bài trừ tôn giáo. Ngoài ra bọn canh tù cũng nhét vào đầu óc non trẻ của chúng tôi “mặc cảm tội lỗi”. Chúng tôi mắc tội nên phải đền tội. Chúng tôi khó cưỡng lại những lời buộc tội vô căn cứ và độc chiều.

Tôi nhớ rõ một ngày, một thiếu niên Công Giáo Slovak bị đưa vào giam chung với chúng tôi. Thiếu niên này bị bắt và tống giam chỉ vì cậu đã kéo chuông vang dội báo hiệu cho giáo dân trong xứ biết là công an đến bắt cha sở mang đi. Cậu bị buộc tội “dám khơi dậy cuộc nổi loạn trong làng”. Thật tội nghiệp cho thiếu niên. Tâm tình ngây thơ vô tội của cậu đã khiến cậu không thể nào chịu được những vu khống trắng trợn của bọn công an. Kết quả là cậu bị mất trí. Nhiều đêm chúng tôi bị thức giấc vì những tiếng la hét của cậu. Đôi khi cậu trở nên vô cùng hiền dịu, quỳ gối trước mặt người lính canh và phân trần là cậu không bao giờ muốn giết chết một ai cả. Nhưng rồi sau đó người ta đã mang thiếu niên này đi nơi khác.

Trong thời gian học tập cải tạo này, chúng tôi phải hoàn toàn mù quáng chấp nhận tất cả những bài học vô lý vô nghĩa do nhóm công an cải tạo đưa ra. Khốn cho đứa nào trong bọn dám cãi lại những lý luận một chiều của họ. Chính tôi đã từng kinh nghiệm điều này. Một ngày, chúng tôi được tin đội banh Liên Xô đã thắng đội banh Canada. Người cai tù hãnh diện lớn tiếng giải thích: “Chiến thắng này chứng tỏ chủ nghĩa xã hội của Liên Xô cũng vượt xa các chủ nghĩa khác!” Nghe vậy, tôi liền nói với người tù đang ngồi trước mặt: “Lý luận thật hồ đồ, không giá trị, chẳng khác nào nói: bởi vì con ngựa đua của nữ hoàng Anh Quốc thắng cuộc, nên chính thể Anh quốc là chính thể tốt đẹp nhất thế giới!” Dĩ nhiên là sau lời phát biểu ý kiến tự do ấy, tôi bị tố cáo, bị trừng trị và bị biệt giam vì đã dám chỉ trích chủ nghĩa xã hội của Liên Xô.

Những tháng ngày tù ngục trôi qua trong niềm tin và can đảm nhờ một lần tôi được trông thấy hình ảnh một giám mục với chiếc áo đẫm máu, bị giam cùng một trại với chúng tôi. Đó là khoảng thời gian từ năm 1950 đến 1967.

(“HÉROS OU TRAITRES”, Cyril Slovák et Jozef Inovecký, Roma 1976, trang 52-59).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN