MANNICK, TỰ BIÊN TỰ DIỄN

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Năm 1977, đĩa hát ‘‘Lời Người Nữ” của nữ nhạc sĩ kiêm ca sĩ Mannick, bán chạy nhất với 150 ngàn ấn bản. Năm 1989, bà Mannick nhận Giải Thưởng của Hàn Lâm Viện Pháp về Đĩa Nhạc và năm 1990, nhận giải SACEM về các bài hát cho thiếu nhi. Vì không muốn bị giới truyền thông lèo lái, bà Mannick thích rảo quanh các đường phố để hát cho quần chúng nghe các bản nhạc của mình. Bà hát với trọn tâm tình và nghệ thuật. Bà cũng đến Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Đức trình diễn cho tín hữu hành hương nghe các bản thánh ca của bà.

Ngay thời thơ trẻ, Mannick đã yêu thích ca hát. Người thân trong gia đình đặt bé Mannick đứng trên ghế để hát cho mọi người nghe. Mannick là trưởng nữ trong số 7 anh chị em. Lớn hơn một chút, Mannick vừa rửa chén đĩa vừa ngâm nga hát. Năm 15 tuổi, lúc biết đánh đàn ghi-ta, Mannick bắt đầu phổ nhạc các bài thơ do chính cô sáng tác. Cô muốn nói cho người khác nghe tư tưởng cùng tâm tình của cô qua lời ca ý nhạc.. Xin nhường lời cho bà Mannick.

Trường hợp của tôi có thể nói duy nhất. Trong cuộc đời, tôi có cơ may gặp những người viết nhạc thánh dùng trong Phụng Vụ. Tôi là tín hữu Công Giáo và đây là yếu tố rất quan trọng cho một nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ. Chính trong tâm tình và Đức Tin Công Giáo mà tôi viết các bài ca dành cho thiếu nhi. Rồi tôi hát các bài ca này nơi trường học và trong các buổi trình diễn.

Tôi lấy hứng từ sự sống, các biến cố, những người tôi gặp và từ cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng viết về nỗi cô đơn, tình yêu, niềm vui, nỗi khổ, các đổ vỡ và về những vấn đề trầm trọng. Tôi cũng viết về các thiếu nhi, chẳng hạn sáng tác ‘‘Lời ru cho một hài nhi sắp sinh ra”, nhấn mạnh đến thiên chức làm mẹ của phụ nữ.

Tôi viết rất nhiều về nữ giới, đặc biệt trong sưu tập và đĩa nhạc ‘‘Lời Người Nữ”. Nhiều người cho rằng tôi đầy nữ tính. Đúng thế. Tôi hãnh diện sinh ra làm người nữ. Tôi cũng đề cập vấn đề giải phóng phụ nữ, nhưng không có khuynh hướng đấu tranh quá khích. Tôi ý thức rõ sự khác biệt nam nữ và muốn diễn tả sự khác biệt này. Tôi không trả thù nam giới. Tôi chỉ muốn trình bày một số vấn đề không ổn, mang nặng tính chất bất công. Thế thôi. Và tôi nói lên các vấn đề, các tư tưởng, cảm tình của tôi bằng lời ca tiếng nhạc, do chính tôi sáng tác.

Sau mỗi lần trình diễn, có người đến gặp tôi và ca tụng sự thành công. Có người bày tỏ lòng tri ân vì tôi làm thay đổi cuộc sống họ. Đối với tôi, tiếp xúc trực tiếp với quần chúng thật quan trọng. Nếu tôi có thể làm cho người nào đó vui tươi hơn, hạnh phúc hơn thì tôi cũng cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc nữa.

Trong các bài ca tôi luôn nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực. Tôi luôn nhìn cuộc đời với đôi mắt lạc quan. Khi tôi sáng tác các bản nhạc ‘‘Đừng phạm đến thiếu nhi” hoặc ‘‘Mẹ nào con nấy”, tôi luôn nhắm đến việc cổ võ sự tôn trọng và yêu mến các thiếu nhi. Dĩ nhiên tôi lấy hứng từ các dữ kiện thời sự liên quan đến thiếu nhi: các biến cố đau thương xảy ra tại Rwanda, Bosni và tại thành phố Oklahoma, Hoa Kỳ. Đó là những cuộc tàn sát thiếu nhi. Tôi chỉ muốn gào to, thức tỉnh lương tâm mọi người về vấn đề yêu thương và bảo vệ trẻ em. Có lần, sau buổi trình diễn các bài hát về thiếu nhi, một phụ nữ đến gặp tôi và nói: ‘‘Bà nên viết về nạn các trẻ em mãi dâm tại Thái Lan”.

Câu nói của nữ khán thính giả gieo vào lòng tôi tâm tình và ý nghĩ đau thương. Và tôi đã viết những bài ca về số phận của các em bé này. Khi một biến cố gây xúc động mạnh nơi tôi, tức khắc tôi tìm được ngay nguồn cảm hứng và diễn tả ra bằng lời ca tiếng hát của chính tôi..

(”Lourdes Magazine”, n.60, Marzo+Aprile/1997, trang 42-43).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN