TÌNH YÊU THIÊN CHÚA VÀ THÁNH GIÁ


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tôi xuất thân từ gia đình Công Giáo rất đạo đức. Cha Mẹ tôi thông truyền Đức Tin của các ngài cho tôi và tôi tin tưởng nơi Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa trong tuổi trẻ tôi là Đấng xa xôi, ngự mãi trên trời cao. Thiên Chúa không có liên hệ tình cảm gì với con cái loài người, đang sống cảnh lầm than khốn khổ nơi trần gian. Rồi từ khi lập gia đình và có con cái, tôi dần dần bỏ quên Thiên Chúa. Cuộc sống hằng ngày chỉ gồm toàn những lo lắng và bận rộn với của cải vật chất: làm sao cho có nhiều sung túc và tiện nghi là đủ. Về phương diện tôn giáo: tôi nguội lạnh và dửng dưng đối với Thiên Chúa. Thỉnh thoảng tôi nghĩ đến Chúa, nhưng với tâm tình sợ hãi, chứ không phải trìu mến hiếu thảo của đứa con ngoan dành cho Cha mình. Tôi gần như không bao giờ cầu nguyện. Vì bổn phận, tôi vẫn giữ thói quen đi lễ các ngày Chúa Nhật. Nhưng khi có một lý do nào đó tôi liền vịện cớ để bỏ lễ Chúa Nhật. Khi các con còn nhỏ, tôi cũng thường vịn vào đó để bỏ lễ. Thỉnh thoảng tôi rước Mình Thánh Chúa, vì thói quen hơn là vì lòng mến.

Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn nhẫn nhục đợi chờ tôi. Ngài chờ đợi cơ hội thuận tiện để gõ cửa lòng tôi. Và biến cố quan trọng xảy ra vào ngày 4-3-1979, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay. Vợ chồng tôi được mời đi ăn khách nơi gia đình người bạn. Sau bữa ăn, chúng tôi ngồi lại nơi phòng phòng khách chuyện trò giải trí.. Và câu chuyện dẫn đến việc bàn luận về Thiên Chúa.. Sau đó chúng tôi từ giã gia đình bạn ra về. Tôi còn nhớ như in những gì xảy ra trong tâm hồn tôi vào buổi chiều Chúa Nhật năm ấy. Khi tôi bước lên xe và ngồi xuống cạnh nhà tôi, đột nhiên trong lòng tôi trào dâng lòng yêu mến dào dạt đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa mà tôi vẫn tin và nghĩ rằng Ngài thật xa xôi, cao vời, bỗng chốc trở nên thật gần gũi. Tôi như vừa gặp thấy Ngài. Bằng cách nào và tại sao, tôi không biết phải giải thích như thế nào. Tôi chỉ biết nói rằng, chính lúc đó tôi cảm thấy như có luồng ánh sáng chiếu dọi vào tâm hồn tôi và một luồng sức nóng đi thẳng vào tim tôi. Tôi cảm thấy tràn trề hạnh phúc. Và kể từ giây phút ấy, trọn tâm tư tôi hướng về Chúa và không bao giờ lìa xa Thiên Chúa nữa.

Thiên Chúa bắt đầu hiện diện trong cuộc đời tôi, hay nói đúng hơn, tôi bắt đầu cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình. Từ đó tôi đặc biệt suy gẫm và sống mầu nhiệm Thương Khó Chúa GIÊSU. Tôi suy niệm về tầm quan trọng của Thánh Giá Chúa KITÔ trong cuộc đời tín hữu Công Giáo. Từ từ, trong kinh nguyện và suy ngắm, Chúa GIÊSU giúp tôi hiểu rằng: Phúc Âm là mạc khải của Tình Yêu. Thánh Giá là tột đỉnh hy sinh của Tình Yêu. Phúc Âm là Giáo Huấn và Thánh Giá là Hành Động. Phúc Âm là Lời Nói và Thánh Giá là Thi Hành. Phúc Âm giúp tín hữu hiểu và yêu mến Hành Động của Thánh Giá Chúa KITÔ. Phúc Âm đưa tín hữu đi sâu vào mầu nhiệm của ơn cứu chuộc. Theo sát giáo huấn của Phúc Âm tức là bước theo con đường khổ nạn của Thánh Giá Chúa KITÔ. Thánh Giá thường xuất hiện nơi cuối con đường mang ánh sáng. Trở về với mầu nhiệm Thánh Giá Chúa KITÔ tức là thực hành, sống các giáo huấn của Phúc Âm trong mọi chiều kích thuần túy của nó. Sống tinh thần khiêm tốn, phó thác, tuân phục, tin tưởng, yêu thương, bác ái, dâng hiến và trao ban. Đây là con đường nhỏ bé nhưng chắc chắn nhất mà bất cứ tín hữu nào cũng có thể thi hành được.

Nhiều tín hữu Công Giáo tránh nói về Thánh Giá và nhất là rất sợ chấp nhận Thánh Giá Chúa KITÔ. Satan thường gieo lòng các tín hữu tâm tình khiếp sợ Thánh Giá, khiến các tín hữu chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của Thánh Giá. Họ quên rằng Thánh Giá là biểu hiệu của Tình Yêu: Tình Yêu Thiên Chúa dành con người và tình yêu con người dâng lên Thiên Chúa. Thánh Giá trở nên nhẹ nhàng đối với những tâm hồn tràn đầy tình mến Thiên Chúa. Nếu không có tình mến Thánh Giá trở thành nặng nề, đôi khi không thể nào vác được. Chính lòng yêu mến làm cho Thánh Giá và cuộc đời con người mang ý nghĩa. Tình yêu trao ban hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Thiên Chúa luôn hiện diện, chỉ cần con người biết lắng nghe tiếng Ngài mời gọi và trở về với Tình Yêu của Ngài.

(“STELLA MARIS”, 11/1991, trang 1-3).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN