ĐỨC TIN CỦA CÁC VỊ THÁNH TỬ ĐẠO TRIỀU TIÊN


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Năm 1984 Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn mừng kỷ niệm 200 năm (1784-1984) dân tộc Triều Tiên được diễm phúc lãnh nhận hồng ân Đức Tin và bí tích Rửa Tội. Dịp đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đã long trọng nâng 103 vị Tử Đạo Đại Hàn lên hàng hiển thánh. Thánh lễ tôn phong diễn ra tại Séoul thủ đô Nam Hàn vào Chúa Nhật 6-5-1984, trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha tại Á Châu. Xin giới thiệu cuộc tuyên xưng Đức Tin của 7 vị Thánh Tử Đạo Triều Tiên.

Năm 1839, Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn chịu bắt bớ thật gắt gao. Trong các chứng nhân Đức Tin gục ngã dưới lưỡi gươm ác nghiệt của triều đình, phải kể đến số đông các tín hữu giáo dân. Cuộc đời các vị tử đạo được truyền miệng nhau hầu khuyến khích mọi người sẵn sàng tuyên xưng Đức Tin khi đến thời thuận tiện.

6 phụ nữ Công Giáo Triều Tiên, sau khi nghe thuật lại cái chết anh dũng của hai thánh giáo dân Damiano Nam và Agostino Ni, bỗng nẩy sinh lòng sốt sắng. Các nữ nhi bàn nhau nộp mình để được chết vì Đạo. Ý kiến đưa ra được mọi người chấp thuận. Khi đến trước quân lính, một người trong nhóm nói với bọn lính:

- Các ông đang tìm các tín hữu Công Giáo, thì đây chúng tôi là người Công Giáo. Các ông hãy bắt chúng tôi và nộp cho quan.

Quân lính không tin điều họ nghe là thật nên từ chối giải nộp các bà. 6 phụ nữ kiên trì giải thích:

- Chúng tôi là tín hữu Công Giáo thật. Bằng chứng chúng tôi mang trong mình Ảnh Tượng Thánh và tràng chuỗi Mân Côi đây!

Thấy vậy, bọn lính liền trói 6 phụ nữ và giải về tỉnh. Trong số 6 phụ nữ nổi bật gương mặt trinh nữ Luxia Kim.

Thánh nữ Luxia Kim trổi vượt về sự thông minh, nét dịu dàng và lòng can đảm. Trong thời gian bị giam cầm, bị tra hỏi và bị đánh đập, cô luôn tươi vui và bình tĩnh khiến quan tòa ngạc nhiên. Năm ấy Luxia Kim bước vào tuổi 20. Quan bảo:

- Đẹp như cô sao lại dại dột đi theo một thứ tôn giáo kỳ lạ như vậy? Hãy bỏ Đạo đó đi và tôi hứa sẽ cứu sống cô.

Luxia Kim trả lời:

- THIÊN CHÚA là Đấng dựng nên muôn loài. Chính Ngài quản trị trời đất. Ngài là VUA Tối Cao và là CHA của mọi người. Làm sao tôi có thể chối bỏ Đấng vừa là VUA vừa là CHA của tôi được? Không! Thà chết ngàn lần chứ tôi không thể chối bỏ THIÊN CHÚA tôi tôn thờ!

Quan nêu một lô câu hỏi:

- Ai dạy cô biết Đạo Công Giáo? Cô quen biết với bao nhiêu người cùng Đạo? Tại sao cô chưa lập gia đình? Linh Hồn là gì và cô không sợ chết sao?

Luxia Kim lần lượt trả lời:

- Mẹ tôi dạy cho tôi biết Đạo Thánh Đức Chúa Trời. Nhưng Đạo này nghiêm cấm việc tố cáo người khác, do đó tôi không thể nói cho quan biết tôi liên hệ với những ai .. Tôi chưa tròn 20 tuổi nên quan đừng lấy làm lạ tại sao tôi chưa lập gia đình. Hơn nữa, không thích hợp với một thanh nữ khi phải trả lời về vấn đề hôn nhân. Vì thế xin quan đừng bao giờ tra vấn tôi về vấn đề ấy .. Linh Hồn là bản thể thiêng liêng nên mắt trần không thể trông thấy được .. Thật ra tôi rất sợ chết, nhưng vì muốn được sống thì phải chối Đạo, bỏ Chúa, do đó, dù sợ chết tôi vẫn chọn cái chết để khỏi chối bỏ THIÊN ChÚA tôi tôn thờ.

Quan hỏi thêm:
- Cô có trông thấy THIÊN CHÚA Trời Đất không?
Luxia Kim trả lời:
- Những người dân quê sống nơi các làng mạc xa xôi hẻo lánh, mặc dầu không trông thấy nhà vua họ vẫn tin đất nước mình có đức vua cai trị. Riêng tôi, vì trông thấy trời đất cùng muôn vật nên tôi tin có Đấng Tối Cao dựng nên muôn vật và chính Ngài là CHA của mọi loài.

Ngày 20-7-1839, cô Luxia Kim cùng với 5 phụ nữ Công Giáo khác bị đưa ra pháp trường và bị xử tử vì đã tuyên xưng mình là tín hữu Công Giáo.

... Thánh nữ Luxia Pak sinh ra trong gia đình ngoại giáo giàu có. Vì nhan sắc và vì nổi tiếng đoan trang cô Pak được chọn vào cung làm tỳ nữ hầu hạ hoàng hậu Kim. Trong số các tỳ nữ cô trổi vượt về sự nhanh nhẹn, tính dịu dàng và đức cẩn trọng. Cô được hoàng hậu để ý và yêu thương cách riêng.

Sắc đẹp và nét đoan trang của tỳ nữ Pak cũng lôi kéo sự chú ý của hoàng tử trẻ tuổi Sioun-Tsong. Một ngày, hoàng tử gọi cô Pak đến phòng riêng và dùng lời đường mật dụ dỗ cô. Nhưng cô Pak can đảm kháng cự, nhất quyết bảo vệ đức trinh khiết của mình. Nét cao đẹp này của cô Pak hẳn là một trong những điều kiện thuận lợi đưa cô đến hồng ân lãnh nhận bí tích Rửa Tội và chết vì Đức Tin Công Giáo.

Năm 30 tuổi, cô Pak được dịp may nghe nói đến giáo lý Đạo Kitô. Vô cùng ngưỡng mộ cô nhất định tìm hiểu và xin theo Đạo Công Giáo. Sau đó lấy lý do đau ốm cô Pak xin rời hoàng cung trở lại gia đình sinh sống. Nhưng thân phụ cô rất ghét Đạo Công Giáo. Do đó cô đến ở với gia đình người cháu. Tại đây, nghĩ lại quãng đời sống trong hoàng cung, cô Pak cho rằng mình đã phung phí thời giờ trong nhung lụa xa hoa, bây giờ cô phải đền bù bằng lối sống nhiệm nhặt hãm mình. Chẳng bao lâu sau, cô Pak đưa cả gia đình người cháu theo Đạo Công Giáo.

Khi luật cấm đạo ban hành, cô Pak cùng với người bạn Công Giáo tìm cách ẩn trốn. Nhưng việc chưa thành thì toán lính ập đến nhà tìm bắt cô. ”Không gì xảy ra mà lại không do bàn tay quan phòng của Chúa”, vừa nói cô Luxia Pak vừa vui vẻ tiến ra đón tiếp bọn lính. Cô xin họ đừng la lối gào thét vô ích, vì cô không chạy trốn. Cô còn biếu họ tiền bạc, rượu uống và thức ăn. Xong xuôi tất cả, cô vui tươi gia nhập đoàn tín hữu Công Giáo bị bắt và cùng với toán lính lên đường ra tỉnh.

Sau nhiều lần dụ dỗ và tra tấn không kết quả, quan truyền công bố bản án tử hình. Bản án có đoạn viết:

- Ngày cũng như đêm cô Pak đắm chìm trong đạo lý của cô. Từng cử chỉ, từng lời nói, ngay cả sự thinh lặng của cô, nhất nhất đều biểu lộ một tâm tình huyền bí. Vì thế cô đáng bị xử tử!

Cuộc hành quyết được ấn định vào ngày 24-5-1839 tại Séoul. Cô Luxia Pak bình tĩnh tiến ra pháp trường, khuôn mặt an bình và tươi vui như thường lệ. Cô liên lĩ đọc kinh cho đến khi tiếng trống báo hiệu, cô nghiêng đầu đưa cổ cho lý hình chém.

... Dẫn đầu danh sách 24 Anh Hùng Tử Đạo ngã gục dưới lưỡi gươm ác nghiệt của vua chúa Đại Hàn vào năm 1866 là thánh Phêrô Ryou, 30 tuổi, làm nghề vá giày.

Thánh Phêrô Ryou sinh ra trong gia đình ngoại giáo nghèo và mồ côi cha ngay thưở còn thơ. Ryou phải làm việc kiếm ăn qua ngày từ tuổi nhỏ.

Trước khi theo Đạo Công Giáo, anh Ryou có tật xấu mê cờ bạc và tính tình nóng nảy. Hai vợ chồng luôn cãi nhau to tiếng và anh Ryou thường kết thúc bằng những cú đấm đá hoặc chén bay đĩa bay.

Thế nhưng vào một ngày trong năm 1863, một biến cố xảy đến làm thay đổi trọn cuộc đời anh Ryou. Tình cờ anh nghe nói đến Đạo Công Giáo và say mê giáo lý Đạo. Lúc trở về nhà, anh hý hửng khoe với vợ mình vừa khám phá điều vô cùng tốt đẹp .. Từ đó anh học giáo lý với người láng giềng Công Giáo và xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Đạo Công Giáo thay đổi tận gốc rễ cuộc đời anh Phêrô Ryou. Chẳng những anh siêng năng đọc kinh, tham dự Thánh Lễ mà còn bỏ hẳn tật xấu cờ bạc và tính tình nóng nảy. Anh trở nên hiền lành và nhịn nhục. Thỉnh thoảng cơn giận nổi lên, thay vì la mắng và đánh đập vợ, anh tự đánh mình và nói:

- Mày đau lắm phải không? Vậy sao mày lại đi đập người khác? Mày không nhớ người khác cũng đau giống mày sao?

Anh thay đổi tính tình khiến vợ ngạc nhiên và cảm động. Dần dần chị cũng chịu ảnh hưởng tốt. Chị trở nên dịu hiền và nhân ái như chồng. Mọi người chung quanh tấm tắc ngợi khen cách cư xử nhũn nhặn dễ thương của hai vợ chồng. Đặc biệt anh Ryou nổi bật đức tính ngay thẳng, hiền lành và tự chủ.

Cuộc sống êm đềm trôi qua cho đến khi cuộc bách hại năm 1866 đùng đùng nổi lên, như cơn sóng thần, cuốn trôi bao nhiêu dân lành vô tội.

Giống các tín hữu Công Giáo Triều Tiên khác, anh Phêrô Ryou nhận rõ tình trạng hiểm nguy. Nhưng anh bình tĩnh tiếp tục cuộc sống tại làng không sợ hãi trốn đi nơi khác.

Ngày 4-2 anh bị bắt cùng với 5 tín hữu Công Giáo. Vì bị đánh đập tàn bạo, 5 người kia lần lượt chối Đạo và được trả tự do. Chỉ còn lại anh Phêrô Ryou. Anh cương quyết đi đến cùng con đường anh đã chọn lựa.

Để làm sỉ nhục và nao núng lòng anh, quan ra lệnh cho 5 người chối Đạo phải dùng roi đánh anh. Những người này không dám nhưng vì họ bị lính thôi thúc và đánh đập nên họ buộc lòng phải đánh anh Phêrô Ryou cho đến khi anh ngã quỵ và tắt thở ngày 17-2-1866, hưởng dương 30 tuổi.

... Thánh Gioan Baotixita Nam, quan thị vệ của triều đình.

Quan thị vệ Nam bị bắt vào lúc triều đình Đại Hàn hoảng sợ vì thấy Đạo Công Giáo mỗi lúc một lan rộng và thu hút nhiều người.

Bị bắt và bị đưa ra tòa, quan thị vệ Nam bị hạch hỏi lý do nào đưa ông vào chốn tù đày. Ông bình tĩnh trả lời:
- Chỉ vì tôi sống, cư xử và hành động với tư cách là tín hữu Công Giáo.
Bị bắt buộc khai tên các người đồng Đạo, ông Nam cương quyết nói:
- Đừng tra hỏi vô ích. Nếu phải chết, tôi xin chết một mình. Tôi sẽ không bao giờ khai tên các tín hữu Công Giáo khác.

Một nhân chứng kể lại những tháng ngày tù ngục của quan thị vệ Nam như sau: Ông can đảm lãnh chịu mọi tra tấn cực hình mà không hé môi than thở lời nào. Hai chân ông bị đánh bầm dập đau đớn. Thấy vậy một người lính muốn giúp ông tìm cách để hai chân thế nào cho dễ chịu hơn, nhưng ông chỉ nhỏ nhẹ nói:
- Anh đừng lo lắng quá làm gì. Cứ để mặc vậy.

Khi lính mang bản án tử hình đến và bảo phải ký, ông nhanh nhẹn ký ngay. Bản án ghi rõ tội trạng như sau:

- Ông Nam được hân hạnh ở vào hàng danh dự của triều đình, nhưng lại tin theo tôn giáo có đạo lý sai lạc. Đã từ lâu ông bị tôn giáo này mê hoặc nên luôn luôn khẳng định và truyền bá rằng: Đạo Công Giáo là Đạo chân thật. Ông còn quy tụ các tín hữu đồng Đạo, kính trọng và phục vụ vị Giám Mục Thừa Sai người Pháp như phục vụ chính thân phụ ông. Với tất cả các tội trạng tầy trời đó, quả là ông đáng phải chết cả trăm ngàn lần, chứ không phải chỉ một lần thôi ..

Ngày 7-3-1866 một toán lính của triều đình gươm giáo hùng hổ đưa quan thị vệ Gioan Baotixita Nam ra pháp trường. Ông không lộ vẽ sợ hãi hay oán hờn. Trái lại, nét mặt thật ngang nghiêm và quý phái. Ông luôn miệng kêu tên cực trọng Đức Chúa GIÊSU và Đức Mẹ MARIA cho đến khi bị chém đầu gục ngã, hưởng thọ 60 tuổi.

... Thánh Phêrô Tchoi là thứ nam của một gia đình Công Giáo đạo đức gồm 4 người con. Năm 20 tuổi, Tchoi theo giúp thầy phó tế Anrê Kim, sau này là Linh Mục đầu tiên người Đại Hàn. Năm đó - 1840 - thầy Kim từ Macao trở về nước. Thầy chuẩn bị một chiếc thuyền để bí mật sang Trung Quốc rước một Giám Mục và một Linh Mục thừa sai người Pháp vào Triều Tiên. Tchoi cùng đi với thầy Kim và 6 tín hữu Công Giáo khác. Trên đường về, thuyền bị sóng to gió lớn đập gãy cánh buồm. Các tín hữu sợ hãi kêu khóc, nhưng anh Phêrô Tchoi đứng lên và nói lớn tiếng:
- Tại sao anh em lại kêu khóc như vậy? Đức Mẹ MARIA đang có mặt tại đây mà! Sáng mai lúc 10 giờ, chính mắt anh em sẽ được trông thấy đất Đại Hàn!

Và đúng như lời anh Tchoi tiên báo, sáng hôm sau 12-10, thuyền cập bến bằng an sau 42 ngày đêm vượt trùng dương.

Từ đó anh Phêrô Tchoi theo giúp Cha Anrê Kim cho đến năm 1846, là năm Cha Kim bị bắt và bị giết vì Đạo. Lúc đó anh Tchoi đã 36 tuổi và chưa lập gia đình. Anh rất muốn sống độc thân, nhưng hoàn cảnh không cho phép. Anh phải lấy vợ và mua nhà sống tại thủ đô Séoul. Ông Phêrô Tchoi mở một tiệm nhỏ, đồng thời sao chép các sách đạo, thu góp các tràng chuỗi Mân Côi và tiếp đón các người ngoại giáo hay tân tòng muốn gặp và bàn chuyện với ông.

Thấy ảnh hưởng sâu rộng của ông, Đức Giám Mục giao cho ông nhiệm vụ rửa tội cho tân tòng và nhờ ông mở một nhà in để xuất bản sách báo đạo. Nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong thời kỳ Đạo Công Giáo bị bắt bớ. Nhưng ông Tchoi can đảm nhận lời. Từ nhà in này, đã phổ biến rất nhiều sách báo Công Giáo. Sau đó vì có người tố cáo nên ông Tchoi bị bắt.
Trước tòa, quan án muốn biết ông Tchoi theo Đạo từ khi nào và nhận lệnh của ai để in các sách báo đạo. Ông trả lời:
- Tôi theo Đạo từ nhỏ và theo lệnh của Đức Giám Mục, tôi in các sách báo này. Quan lại hỏi:
- Ông làm để kiếm ăn hay có chủ ý nào khác?
Ông Tchoi đáp:
- Dĩ nhiên tôi làm nghề này để có tiền nuôi sống gia đình và cũng có ý đem nhiều người theo Đạo Công Giáo.
Quan nói lớn:
- Ông đã phạm một tội đáng phải chết!
Ông Phêrô Tchoi bình tĩnh đáp:
- Trước mặt THIÊN CHÚA tôi vô tội. Nhưng vì tôi làm một việc bị luật nước cấm, nên cứ xử tôi theo luật này.

Ngày 9-3-1866 bộ Hình Luật phổ biến thông cáo kết tội ông Phêrô Tchoi:

- Ông này lầm lạc đi theo Đạo tây phương, lại in và phổ biến sách xấu, gây hoang mang. Tâm hồn ông ta bị bùa mê, thân xác ông ta bị nhiễm độc. Mặc dầu bị đánh đập tàn nhẫn, lòng ông vẫn cứng đơ như sắt như đá. Ông không ngừng tuyên xưng sự thật và chấp nhận cái chết. Theo luật thì ông phải chết.

Hai hôm sau, ngày 11-3-1866 ông Phêrô Tchoi bị chém đầu.

... Thánh Marcô Thiên chào đời trong gia đình quý phái nhưng ngoại giáo.

Vì thông hiểu chữ Tàu, ông Thiên mở trường dạy tiếng Hoa. Năm 1839 - 46 tuổi - tình cờ ông được chứng kiến cuộc hành quyết 3 vị Linh Mục thừa sai người Pháp. Ngạc nhiên trước thái độ tươi vui và anh dũng của 3 nhà truyền giáo khi đi đến nơi xử, ông Thiên tò mò tìm hiểu về một tôn giáo kỳ lạ, có sức mạnh giúp con người can đảm chấp nhận cái chết mặc dầu tuổi đời còn xuân. Ông mua sách nói về Đạo Công Giáo và tự nghiên cứu. Dưới ánh sáng của ơn thánh, ông tự nhủ:

- Hồi giờ mình cứ nghĩ, đã là tín hữu Kitô thì không thể trở nên người tử tế tốt lành được. Nào ngờ, bây giờ mình thấy ngược lại: để trở thành người thực sự tốt lành thì cần phải là tín hữu Kitô trước đã!

Vốn người trí thức cương trực, ông Thiên thực hiện ngay điều ông nghĩ là tốt. Ông dời nhà đến sống tại thủ đô Séoul và xin theo Đạo Công Giáo. Từ đó ông trở thành một trong những cột trụ của Giáo Hội Công Giáo Triều Tiên trong thời kỳ Đạo Công Giáo bị bắt bớ dữ dội tại đây.

Ông dành trọn thời giờ để dạy giáo lý cho tín hữu Công Giáo và tân tòng. Ông thăm viếng kẻ liệt, giúp các tín hữu lãnh nhận các Bí Tích và góp nhặt các trẻ em bị bỏ rơi đem về nuôi ..
Mọi người đều mến phục vì lòng quảng đại của ông. Bất cứ ngày hay đêm, có ai cần đến ông, ông đều mau mắn giúp đỡ. Chính trong kinh nguyện và suy gẫm mà ông múc lấy sức mạnh nội tâm và lòng ao ước được phúc tử đạo. Ông thường nói: ‘‘Tử đạo tốt hơn. Thật khủng khiếp khi phải chết an nhàn tại gia”.

Bị tố cáo là tín hữu Kitô, ông bị bắt và bị đưa vào tù, trên cổ bị cột sợi dây đỏ của các tử tội, theo thói tục Triều Tiên. Nhưng dáng dấp quí phái đạo mạo của ông khiến mọi người phải kính nể, kể cả viên đại đội trưởng. Ông này nói với các tên lính đi hai bên cụ già Marcô Thiên rằng:

- Các chú đừng nắm dây tròng cổ cụ. Hãy để cụ đi thoải mái. Cụ không trốn chạy đâu. Các chú chỉ tháp tùng cụ và đừng đi nhanh quá, kẻo cụ đi theo không kịp!

Mặc dầu thế, sau khi bị giam, cụ Marcô Thiên vẫn bị hành hạ dã man. Vì nhất định không khai tên các tín hữu khác, cụ bị đánh đập dữ tợn. Cụ nói với quan tòa:

- Các ông cứ giết tôi đi vì trước mắt các ông, tôi đã phạm tội đáng phải chết!

Cuộc hành quyết được ấn định vào ngày 11-3-1866. Cụ già Marcô Thiên oai nghiêm tiến ra pháp trường, mắt nhìn xuống, đôi môi mấp máy cầu nguyện. Năm đó cụ vừa đúng 72 tuổi.

... Thánh Alexis U là con của một gia đình giàu có trí thức và ngoại giáo.

Năm 16 tuổi, U nghe nói đến Đạo Công Giáo do thầy giảng Kim. U bỗng yêu mến Đạo và muốn theo Đạo. Cậu xin phép thân phụ lên thủ đô Séoul để lãnh bí tích Rửa Tội. Nhưng cả gia đình cậu chống đối. Thấy thế, cậu trốn lên thủ đô và xin trọ tại nhà thầy giảng Marcô Thiên. Tại đây cậu được chính Đức Cha Berneux - giám quản tông tòa giáo phận Séoul - rửa tội. Đức Cha khuyên cậu:

- Con hãy nhớ con đã trở thành con Chúa. Từ đây con hãy từ bỏ ma quỷ và hãy phục vụ một mình THIÊN CHÚA. Con hãy cố gắng thông chia hạnh phúc của con cho Ba Má con.

Năm 1863 anh Alexis U trở về gia đình. Anh được Cha Mẹ và gia đình tiếp đón cách lạnh lùng. Anh đặc biệt đau khổ về sự ruồng rẩy của Cha và người anh cả. Sợ bị ngã lòng bỏ Đạo, anh lại xin thân phụ cho phép trở lại thủ đô. Cha anh nói thẳng thừng:

- Càng tốt. Mày nên ra khỏi nhà càng sớm càng hay!

U lên thủ đô trọ tại nhà cụ già Marcô Thiên. Anh sống những ngày ẩn dật trong kinh nguyện và dùng thời giờ để dịch các sách tôn giáo. Anh cũng sốt sắng cầu xin Chúa cho gia đình được ơn theo Đạo Công Giáo.

Được tin Cha Mẹ đã thay đổi thái độ, anh U liền trở về thăm nhà. Sau khi nghe anh rành mạch trình bày giáo lý Đạo Công Giáo và nhất là thấy tận mắt gương sống đạo đức tốt lành của con, cả gia đình xin theo Đạo Công Giáo.

Nhân dịp Tết Nguyên Đán 1866, Alexis U lên thủ đô để chúc mừng Năm Mới cụ Marcô Thiên là thầy cũ và là ân nhân của mình. Nào ngờ tại đây anh bị bắt cùng với cụ Thiên và bị tống giam.

Khi bị thẩm vấn và bị tra tấn khủng khiếp lần thứ nhất, anh Alexis U can đảm chịu đựng. Nhưng đến lần thứ hai, bị đánh đau quá, anh liền chối Đạo. Lập tức anh được thả ra.

Vừa được tự do, anh nghe tin Đức Cha Berneux đã bị bắt cùng với vị Linh Mục thừa sai người Pháp. Anh bỗng thống hối và ăn năn về tội chối Đạo. Anh nhất định lấy máu mình gột rửa trọng tội. Anh xin vào nhà giam gặp Đức Cha để xưng tội và sau đó cương quyết tuyên xưng Đức Tin Công Giáo.

Lòng đau đớn thống hối đã khiến anh Alexis U anh dũng chấp nhận mọi thứ cực hình khủng khiếp. Từ đó, trước mọi lời dụ dỗ nài nĩ: ‘‘Chỉ cần chối Đạo một câu thôi thì sẽ được sống”, anh U luôn lắc đầu, kiên vững như đá. Anh lặp đi lặp lại:

- Tôi rất muốn sống, nhưng nếu để được sống mà phải chối Đạo thì tôi không bao giờ chối!

Ngày 11-3-1866, anh Alexis U bị chém đầu, hưởng dương 19 tuổi.

(Paul Destombes, MEP, ”Au Pays du Matin Calme”, Paris/1968 + Adriano Launay, ”I LXXIX Coreani Martiri”, Milano 1925).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN