TRI ÂN CÁC LINH MỤC THỪA SAI


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nhật báo ‘‘Tonga” có số ấn bản nhiều nhất tại Nam Triều Tiên. Nơi trang đầu phần phụ trương về văn hóa, ngày 26-12-1996, các ký giả Đại Hàn dành trọn trang báo ca tụng công đức của các Linh Mục Thừa Sai Công Giáo. Bài báo viết:

Có những người ngoại quốc nói tiếng Đại Hàn giỏi hơn người Đại Hàn, thích thức ăn Đại Hàn hơn cả người Đại Hàn và bây giờ thì .. các người đó mơ bằng tiếng Đại Hàn! Vâng đúng thế! Những người ngoại quốc ấy không ai khác là Các thừa sai ngoại quốc hoạt động tại Đại Hàn! Các tín hữu Công Giáo gọi các vị là ‘‘Linh Mục Thừa Sai”. Nghĩa là, người từ bỏ quê cha đất tổ để đi làm việc mục vụ ở nước ngoài. Phần đông các vị sống ở Triều Tiên từ 30 năm, 40 năm, hoặc lâu hơn nữa. Cha Philippe Crosbie, Linh Mục dòng Thánh Colomban, là vị cao niên nhất. Cha 81 tuổi và đến Triều Tiên từ tháng 11 năm 1940. Cha trải qua thời Nhật đô hộ Triều Tiên, rồi đến cuộc chiến năm 1950. Cha về hưu nhưng thích ở lại Đại Hàn hơn trở về nguyên quán. Cha sống tại Inje.

Nhiều dòng tu có mặt tại Đại Hàn. Các Cha Hội Thừa Sai Paris làm việc tại Triều Tiên từ 165 năm. Các Linh Mục Maryknoll từ 70 năm. Các Cha dòng Thánh Colomban từ 63 năm. Suốt trong thời gian dài ấy, các Linh Mục thừa sai đã đóng góp phần trọng yếu trong Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn và chia sẻ ngọt bùi, đau thương cùng hy vọng của toàn dân tộc chúng ta! Và trong số các thừa sai, xin đan cử gương mặt Cha Emmanuel Kermoal, người Pháp, thuộc Hội Thừa Sai Paris. Tên Đại Hàn của Cha là Im Kyongmyong.

Cha Emmanuel Kermoal hoạt động tông đồ tại thủ đô Séoul của Nam Triều Tiên trong tư cách Linh Mục thợ. Cha làm việc tại một bãi vứt bỏ các tủ lạnh, máy truyền hình và máy giặt cũ. Các người thợ lượm đồ phế thải, phân chia theo từng loại rồi chở đến các nhà máy chế biến các vật dụng cũ thành các chất liệu có thể sản xuất những vật liệu mới. 3 ngày trong tuần Cha làm việc tại công trường thu lượm đồ phế thải. Những ngày còn lại Cha đi dạy Pháp ngữ tại Đại học Konkuk hoặc làm việc mục vụ. Nơi công trường Cha lãnh tiền công nhật là 35 ngàn ‘‘wons”, trong khi tiền lương một tháng giáo sư đại học của Cha là 2 triệu ‘‘wons”, khoảng 2.500 mỹ kim.. Thế nhưng Cha Emmanuel lại quý chuộng đồng lương Cha lãnh được nơi bãi rác hơn là nơi đại học! Sự hiện diện của Cha nơi bãi rác đã khiến cho dân nghèo của khu xóm ổ chuột cảm nhận được hiện diện thân tình của THIÊN CHÚA. Nơi đây, "THIÊN CHÚA Tối-Cao đã trở thành THIÊN CHÚA Thật-Thấp”!

Cha Emmanuel Kermoal tức Cha Im Kyongmyong năm nay 52 tuổi và phục vụ tại Đại Hàn từ 23 năm qua. Chiếc áo thợ màu xanh Cha mặc trông thích hợp hơn là chiếc áo Linh Mục.. Nếu có ai hỏi: Cha đến công trường thu lượm đồ phế thải để làm việc tông đồ, rao giảng Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ phải không? thì Cha vui vẻ trả lời: Tôi đến làm việc tại đây chính là để minh chứng giá trị của lao động, để phục vụ và chia sẻ nỗi khổ của lớp người bình dân. Nhiệm vụ của Linh Mục là làm như Đức Chúa GIÊSU KITÔ: Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ..

Cha là người vùng Bretagne (Tây Bắc Pháp) và là con thứ ba trong gia đình có 7 người con. Cha có thân hình vạm vỡ và rất ít nói. Ngay từ nhỏ, Emmanuel đã phụ giúp mẹ trong những công việc lặt vặt. Năm lên 7, cậu bé nghĩ đến ơn gọi Linh Mục. Năm 12 tuổi, Emmanuel gia nhập tiểu chủng viện và được thụ phong Linh Mục năm 1973 trong Hội các Cha Thừa Sai Paris. Một năm sau, Cha Emmanuel được gửi sang truyền giáo tại Nam Triều Tiên, nơi thủ đô Séoul. Nói về việc làm nơi bãi rác, Cha Im giải thích: Thật ra không phải Linh Mục nào cũng được kêu mời lao động giống như tôi. Đây là một việc vừa nặng nhọc vừa buồn chán!

Bà Pak, phụ nữ làm việc chung với Cha Emmanuel từ 4 năm qua, nói về Cha: Cha Im rất ít nói. Trong cuộc đời, tôi gặp nhiều tín hữu Kitô không ngay chính hơn người khác bao nhiêu. Nhưng Cha Im thuộc về một mẫu người khác. Đồng lương Cha lãnh được, Cha không giữ cho riêng Cha, nhưng phân phát hết cho người nghèo, người túng thiếu. Cha giải thích: ”Tôi sống độc thân. Tôi không cần nhiều tiền. Vì thế, tốt hơn cả là nên dùng tiền mình kiếm được bằng chính mồ hôi nước mắt của mình để giúp đỡ những người không đủ sức khoẻ để kiếm tiền nuôi mình và nuôi gia đình”.

(”Missions Étrangères de Paris”, n.318, Avril/1997, trang 102-105)


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN