TÌM KIẾM THIÊN CHÚA TRONG THINH LẶNG

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


... Một ngày nắng đẹp tháng sáu bên trời Âu, hai du khách dừng chân nơi đan viện Biển Đức. Và cuộc đối thoại ngắn diễn ra. Một người nói:
- Tôi không hiểu tại sao ở cuối thế kỷ 20 này, lại còn có những người coi khinh tình yêu nam nữ, tiền bạc, quyền chức để ẩn mình nơi các đan viện. Đời họ quả là cuộc sống vô dụng và phung phí, nhất là khi họ dành ra 8 giờ mỗi ngày để cầu nguyện, và giờ giấc lại hết sức bất tiện!

Người kia ung dung trả lời:
- Mời bạn lắng nghe tôi giải thích. Lấy ví dụ bạn đang ở tuổi 20 và bạn yêu tha thiết một thiếu nữ tuổi độ trăng tròn. Thiếu nữ hẹn gặp bạn vào lúc ba giờ sáng trên một đỉnh núi cao. Tôi đoan chắc thế nào bạn cũng leo lên chỗ hẹn, dù có phải bò bằng tay! Các đan sĩ này cũng thế. Họ là những người say mê Tình Yêu Thiên Chúa. Họ được Chúa chiếm đoạt. Do đó cứ đêm đêm họ thức dậy để chúc tụng và ngợi khen Tình Yêu vô biên của Chúa. Tình Yêu Thiên Chúa nơi các đan sĩ gia tăng với thời gian. Một đan sĩ 40 tuổi say mê Chúa hơn lúc ở tuổi 20 và kém xa lúc ở tuổi 60. Và tình yêu này đạt tột đỉnh khi đan sĩ chết vào tuổi 90!

.. Ngược dòng thời gian, ý tưởng dâng hiến toàn thân toàn cuộc đời cho Thiên Chúa, manh nha ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội sơ khai. Hồi ấy, số tín hữu Kitô ít ỏi, nên mọi người đều quen nhau. Họ khuyến khích và cùng giúp nhau sống đẹp lòng Chúa. Họ cũng sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho niềm tin vững mạnh vào Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Thế. Ngài đã chết và đã sống lại. Lúc đó các tín hữu Kitô thường nghĩ:
- Trần gian chỉ là con đường đưa dẫn vào Thiên quốc. Sống tức là chờ đợi chết!

Chính trong tâm tình ấy mà một ngày trong khoảng năm 270, một thanh niên đồng quê Ai Cập tên Antôn, vừa mất cha mẹ. Anh trạc tuổi 18, 20. Anh đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Anh bước vào đúng lúc mọi người đang chăm chú nghe bài Phúc Âm, đọc đến câu Chúa GIÊSU nói với thanh niên giàu có:,
- Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán tất cả gia sản, lấy tiền phân phát cho người nghèo, rồi đến đây theo Thầy và con sẽ được kho báu trên trời, Luca 18,22-23.
Nghe câu này, Antôn cảm kích sâu xa. Anh quê mùa dốt nát, không biết đọc biết viết. Nhưng anh có tâm hồn đạo đức sâu xa, thừa hưởng gia sản thiêng liêng của cha mẹ hiền. Lời Chúa GIÊSU phán đã mở ra con đường tu đức hoàn toàn mới mẻ. Antôn quyết định thực thi từng chữ. Rời nhà thờ trở về, Antôn bán tất cả gia sản cha mẹ để lại. Anh phân phát cho người nghèo, rồi lên đường ẩn mình trong hang sâu nơi sa mạc.
Antôn trở thành vị ẩn sĩ đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, dưới danh hiệu “Antôn Ai-Cập”. Cuộc sống ẩn tu gồm tóm dưới hai hình thức đặc thù: chay tịnh và cầu nguyện. Ngay khởi đầu, Antôn quyết liệt chiến đấu với chính mình và với quyền lực sự dữ. Sau cùng Antôn chiến thắng oai hùng. Từ đó ngài trở thành vị thầy hướng dẫn tu đức danh tiếng. Tiếng đồn vang xa khiến nhiều người nối gót theo bước thánh nhân. Các sa mạc nước Ai Cập bị các đan sĩ chiếm đóng. Đây là hình thức tu trì đầu tiên có tính cách cá nhân, riêng rẽ. Mỗi người tự tìm con đường sống thiêng liêng theo lòng quảng đại đáp tiếng Chúa mời gọi.

Ẩn tu nói lên khát vọng muôn thưở của con người tìm kiếm Thiên Chúa trong thinh lặng tuyệt đối, trong chay tịnh triền miên và trong cầu nguyện liên lỉ. Ngày nay hình thức ẩn tu không còn thịnh hành, nhưng biến dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Dù dưới hình thức nào nó cũng nói lên tâm tình con người muốn dâng lên Thiên Chúa trọn cuộc sống để ngợi khen và tán tụng Tình Yêu Vô Biên của Ngài.


Hãy tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,
phụng thờ CHÚA với niềm hoan hỷ,
vào trước thánh nhan Người giữa tiếng hò reo.
Hãy nhìn nhận CHÚA là Thượng Đế,
chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người,
ta là dân Người, đoàn chiên Người dẫn dắt.
Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn,
tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi, Bởi vì CHÚA nhân hậu,
muôn ngàn đời CHÚA vẫn trọn tình thương,
qua muôn thế hệ, vẫn một niềm thành tín.
(Thánh vịnh 100)
(“MISSI”, Janvier/1967, trang 4-10).



Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN