CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TRUNG HOA

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Chúa Nhật 1-10-2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 tôn phong 120 vị Tử Đạo Trung Hoa lên bậc Hiển Thánh. Các Vị đổ máu đào làm chứng cho Đức Tin Công Giáo trong thời gian từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 dưới 3 triều đại: nhà Nguyên (1281-1367), nhà Minh (1606-1637) và nhà Thanh (1648-1907). Trong số 120 vị có 87 vị người Hoa (gồm 5 Linh Mục, 12 nữ tu và 70 giáo dân). 33 vị tử đạo khác là các Thừa Sai Âu Châu (gồm 6 Giám Mục, 19 Linh Mục, 1 tu huynh và 7 nữ tu Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ). 86 trong số 120 vị Tử Đạo chịu chết vào năm 1900. Năm 1900 mở ra một trang sử hãi hùng cho Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Các làng mạc Công Giáo bị bọn giặc Quyền-Phỉ (boxer) hay cũng còn gọi là phiến quân Nghĩa-Hòa-Đoàn nổi lên đốt phá. Các tín hữu Công Giáo bị tàn sát. Xin giới thiệu vài vị Thánh Trung Hoa chịu chết vì Đạo trong năm 1900.

“Cháu sẽ về Trời và sẽ gặp lại mẹ cùng các em cháu”

Thánh nữ Maria Đỗ-Điền (1858-1900) thành hôn với ông Đỗ-Vĩnh-Hà ở Thâm-Huyện tỉnh Hà-Bắc. Thấy tình trạng bắt bớ ngày càng dữ dội, hai ông bà Đỗ quyết định gả chồng cho cô con gái thứ hai tên Mađalêna Đỗ-Phượng-Cúc. Nhưng cô Cúc nhất định từ chối, vì cô muốn giữ mình trinh khiết và nhất là vì cô ước mong được diễm phúc chết vì đạo. Thấy không thuyết phục được con, hai ông bà không đá động gì đến chuyện chồng con nữa.

Ngày 27-6-1900 bà Maria Đỗ-Điền dẫn 4 đứa con gồm 2 gái và 2 trai đến tá túc nơi nhà của người em trai. Nhưng vì thấy không thể bảo đảm sinh mạng cho chị và các cháu, người em đành dẫn chị và các cháu đến ẩn nơi bụi rậm trong một nghĩa trang.

2 ngày sau, bọn lính Quyền-Phỉ đến lục soát làng và bắt các tín hữu Công Giáo. Trông thấy lính, hai cô con gái của bà Đỗ là Mađalêna Đỗ-Phượng-Cúc 19 tuổi và Barbara 13 tuổi, hoảng sợ, chạy đến gõ cửa một nhà gần đó để xin ẩn trốn. Barbara may mắn lọt vào được trong nhà còn Mađalêna thì bị chặn đứng ngoài cửa. Cô trúng đạn bị thương và ngã gục xuống đất.

Trong khi đó, lính ập đến nơi bà Đỗ đang ẩn với hai đứa con trai nhỏ. Bà van nài: “Tôi là bà mẹ gia đình. Xin thương cứu tôi và cứu các con tôi với”. Người lính lắc đầu từ chối. Bà Đỗ-Điền nói: “Nếu các ông không thể cứu chúng tôi, xin bắn chúng tôi nơi nhà chúng tôi, đừng bắn ở đây, xa làng”. Bọn lính đồng ý. Họ đưa ba mẹ con bà trở lại nhà. Vừa đến nơi, bà Đỗ thấy nhà mình đang cháy rực. Bà nói với tên lính: “Nhà cửa chúng tôi không còn, vậy xin ông bắn chúng tôi tại đây”. Lính giơ súng bắn chết cả ba mẹ con.

Còn cô Mađalêna Đỗ-Phượng-Cúc bị khiêng lên chiếc xe và kéo ra bỏ ngoài nghĩa trang. Cô nằm đó khi dân làng mang xác mẹ và hai em trai ra nghĩa trang. Người ta tưởng cô đã chết. Nhưng một người quen trong làng tò mò đến gần và thấy cô vẫn còn sống. Ông hỏi: “Cháu có bị thương nặng lắm không?” Cô đáp: “Thưa bác không”. Ông nói: “Cháu sẽ không phải chết. Ba cháu hãy còn sống đó”. Nhưng Mađalêna nghĩ tới mẹ và các em. Cô hỏi: “Mẹ và các em nhỏ cháu đâu rồi?” Người đàn ông trả lời: “Chết hết rồi và người ta đang mang xác ra nghĩa trang đây. Vậy bác khuyên cháu hãy chối đạo thì sẽ được sống và được trông thấy mặt Ba cháu”. Nhưng Mađalêna trả lời: “Cháu không chối đạo. Cháu sẽ chết và sẽ lên Thiên Đàng. Cháu sẽ trông thấy mặt mẹ cháu và các em cháu. Cháu chỉ xin bác một điều là đừng để cho mấy người lính kia đụng tới người cháu và đánh đập cháu”. Người đàn ông gật đầu hứa sẽ làm theo ý cô Mađalêna.

Người ta đào một hố sâu để bỏ xác bà Maria Đỗ-Điền và hai đứa con xuống. Họ cũng khiêng cô Mađalêna Đỗ-Phượng-Cúc và bỏ luôn xuống hố. Cô Mađalêna nằm trên xác của những người thân yêu. Cô giơ tay vuốt xác mẹ .. Dân làng đổ đất lấp kín 4 cái xác: 3 đã chết và 1 còn sống.


“Mẹ sẽ không còn là mẹ các con, nếu các con chối đạo”

Thánh nữ Maria Quách-Lý (1835-1900) sinh tại làng Hồ-Gia-Xa. Bà thành hôn với ông Quách-Chí-Phương ở Thâm-Châu, tỉnh Hà-Bắc. Ông bà sinh hạ đàn con đông đúc. Tất cả đều được rửa tội và giáo dục trong Đức Tin Công Giáo.

Đầu tiên binh lính giết chết chồng bà và đốt phá nhà bà. Khi bọn lính đi rồi, những người láng giềng không Công Giáo đến khuyên cả gia đình bà bỏ đạo. Hai người con trai lớn lộ vẻ do dự, nhưng bà Maria Quách-Lý khẳng khái trả lời thay cho tất cả bằng giọng quả quyết: “Chúng tôi theo Đạo Công Giáo từ nhiều đời rồi. Chúng tôi sẽ không bao giờ chối Đạo”. Quay sang các con bà nói: “Các con hãy nhớ kỹ rằng nếu các con chối đạo, mẹ sẽ từ các con ngay. Thiên Chúa sẽ không còn là Cha các con và mẹ, mẹ cũng sẽ không còn là mẹ các con nữa”.

Sau đó, bà Maria Quách-Lý tìm nơi ẩn trốn cho cả gia đình gồm con cái và cháu chắt. Bà chuẩn bị tinh thần cho cả gia đình sẵn sàng chết vì Đạo, bằng lời cầu nguyện, chay tịnh, đọc kinh cầu, đọc Kinh Thánh và đọc sách đạo đức..

Tám ngày sau, phiến quân Nghĩa-Hòa-Đoàn lại đến. Mấy đứa con trai lớn của bà hoảng sợ chạy trốn. Chỉ còn lại bà, 3 người con gái và 4 đứa cháu. Tất cả bị bắt và bị dẫn đến nơi xử cách xa làng.

Trên đường đi, bà Maria Quách-Lý chân bước nhanh nhẹn, đôi mắt luôn canh chừng đàn con đàn cháu và miệng không ngừng lập đi lập lại: “Chúng tôi theo Đạo Công Giáo từ 5 đời rồi. Lẽ nào bây giờ chúng tôi lại chối Đạo? Không, không bao giờ chúng tôi chối Đạo”.

Khi đến nơi, các tên lính tìm cách dụ dỗ lần cuối. Họ hứa sẽ tha chết nếu mọi người chịu bỏ Đạo. Thật là giây phút thảm thương dễ bị mềm lòng. Mấy đứa nhỏ sợ hãi khóc ré lên. Trời tháng 7 nóng như thiêu như đốt. 3 người con gái ngồi bệt xuống đất, lấy tay ôm mặt. Nhưng bà Maria Quách-Lý rất mực điềm tĩnh và gan dạ. Bà lay tỉnh các con và khuyến khích từng đứa: “Can đảm lên Cécilia. Can đảm lên Luxia. Các con cầu nguyện đi, lần hạt Mân Côi đi, kêu xin Đức Mẹ cứu giúp”. Sau cùng, bọn lính nhất định hành quyết nhóm tín hữu Công Giáo chơn chất vô tội.

Bà Maria Quách-Lý nói: “Xin các ông bắn mấy cháu nhỏ trước, rồi đến mẹ chúng và sau cùng là tôi”. Bọn lính vâng lời.

Một tên lính đến trước mặt cô Suzanne, một thiếu nữ khả ái 18 xuân xanh. Tên lính giơ súng định bắn. Nhưng nhìn thấy nét mặt dịu dàng của cô gái, hắn ta bỗng yếu lòng. Hắn mở lời dụ dỗ: “Nếu cô bằng lòng chối Đạo, tôi sẽ cưới cô làm vợ và sẽ cứu sống cô”. Nhưng bà Maria Quách-Lý mau mắn nhắn nhủ con gái hãy can đảm. Cô Suzanne trả lời ngay: “Hãy bắn chết tôi đi vì tôi là tín hữu Công Giáo”.

Sau cùng đến phiên bà Maria Quách-Lý. Bà bị bắn gục khi miệng đang kêu cầu: “Lạy Chúa, xin giúp con”.


“Đợi xem Chúa GIÊSU của cô bảo vệ cô như thế nào nhé!”

Thánh nữ Maria Phó (1863-1900) là trinh nữ ở huyện Đại-Lưu, tỉnh Hà-Bắc và là giáo lý viên nhiệt thành. Cô được các Cha Thừa Sai gởi đến các làng mạc thôn quê để dạy giáo lý cho trẻ em. Cô Maria Phó có biệt tài về nghề này. Cô khéo léo dùng lối giải thích giản dị khiến các em hiểu và nhớ rõ các điều giáo lý đã học. Trẻ em và các người tân tòng lớn tuổi đều quý mến cô. Cả các bà mẹ Công Giáo cũng thường đến nghe cô giải thích giáo lý. Lòng đạo đức của cô phát xuất từ bên trong. Cô thường dạy các em lập đi lập lại các lời nguyện tắt như: “Lạy Chúa GIÊSU, con yêu mến Chúa”, “Lạy Mẹ MARIA, con yêu mến Mẹ”. Hoặc: “Con kính sợ Chúa”, “Con kính mến Chúa”. Các em học sinh không Công Giáo cũng thuộc lòng các lời nguyện tắt này. Các em thường lập đi lập lại y như các em Công Giáo vậy.

Bên cạnh biệt tài giảng dạy giáo lý, cô Maria Phó còn nổi bật đức tính khôn ngoan và hãm mình. Cô luôn cẩn trọng trong từng cử chỉ, cách đi đứng và lời ăn tiếng nói. Mùa Chay, ngoài việc tuân giữ chay tịnh như luật Hội Thánh dạy, cô còn ăn chay thêm 3 ngày khác nữa.

Vào đầu năm 1900, khi bọn giặc Quyền-Phỉ nổi bắt bớ, các tín hữu Công Giáo phải sống ẩn trốn trong rừng hoặc tản mác nơi các làng mạc không Công Giáo. Thấy nguy, nhiều người khuyên cô Maria Phó nên bỏ nơi đang dạy giáo lý để ẩn mình một nơi khác, nhưng cô nhất định từ chối và nói: “Các Linh Mục gởi tôi tới đây để dạy giáo lý thì tôi phải ở lại đây, trừ khi các ngài ra lệnh cách khác”.

Sau cùng, vì tình hình quá thảm khốc, cô Maria Phó đành theo một gia đình Công Giáo đạo đức đi ẩn một nơi khác. Nhưng rồi có người tố giác nên bọn giặc đến lục soát. Thấy không thể tiếp tục trốn, cô Maria Phó tự ra nộp mình và nói: “Chính tôi đây”. Bọn lính hùng hổ xông tới, túm lấy vai cô, khiến cô la lớn: “Lạy Chúa GIÊSU, xin cứu con. Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa GIÊSU xin cứu con!”

Bọn Quyền-Phỉ áp giải cô đến nơi xử. Đi hai bên cô là hai tên lính. Chúng hung hăng xô đẩy cô vì tức giận cứ nghe cô lập đi lập lại lời kinh: “Lạy Chúa GIÊSU, xin cứu con. Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa GIÊSU xin cứu con!” Mấy tên lính chế nhạo: “Ừ để xem Chúa GIÊSU của mày sẽ phù hộ mày như thế nào!”

Khi đến gần con đê giữ nước của làng, cô Maria Phó đứng lại, nhất định không chịu đi xa hơn. Có lẽ cô lo sợ cho đức trinh khiết của mình chăng? Đúng như vậy. Vào thời kỳ bắt đạo dữ tợn này, cô Maria Phó cũng như hầu hết các phụ nữ Công Giáo Trung Hoa, thường may thật kỹ và thật kín tất cả các quần áo lót mang trong người, để khỏi làm mồi cho các tên lính tàn bạo cuồng dâm.

Thấy cô nhất định không chịu đi tiếp, một tên lính tức giận rút gươm chém đứt đầu cô. Năm đó, cô Maria Phó hưởng dương 37 tuổi.


“Chỉ trong trường hợp đó tôi mới được hạnh phúc!”

Một ngày trong tháng 6 năm 1900, các tín hữu Công Giáo làng Chu-Gia-Siêu, tỉnh Hà-Bắc, nói với thánh Phêrô Lưu-Tử-Dư rằng: “Đi trốn với chúng tôi đi. Ở lại sẽ chết đó!” Ông Lưu trả lời: “Không, tôi không đi. Nếu được chết vì Đạo thì càng tốt”. Ông trùm họ đạo nói: “Nếu bọn Quyền-Phỉ đến thì họ chỉ cho anh một lát gươm và anh sẽ lên Thiên Đàng ngay. Nhưng nếu quan tổng đốc tới, thì không biết họ sẽ dành cho anh những cực hình khủng khiếp nào?” Ông Lưu vẫn cương quyết đáp lại: “Thế mới đúng là trường hợp mang lại cho tôi hạnh phúc”. Thấy không thuyết phục được ông, các tín hữu bỏ ông ở lại trông coi nhà thờ và nhà cửa của họ.

Ngày hôm sau, các người bạn ngoại giáo rủ nhau đến khuyên ông Lưu bỏ Đạo. Họ dùng hết lý này đến lẽ kia, khuyên ngon dỗ ngọt, nhưng ông Lưu vẫn vững như đá. Thất bại, dân làng đến trình cho ông xã trưởng biết. Ông này bảo: “Tôi đã nói rồi mà. Đừng mất công vô ích dụ dỗ các người Công Giáo bỏ Đạo. Họ đã bị bỏ bùa mê theo Đạo rồi. Bây giờ thì phải nộp ông Lưu cho quan tổng đốc. Nếu không, cả làng chúng ta sẽ bị tàn phá”. Viên xã trưởng Lưu-Lao-Công là tên dữ tợn, rất thù ghét các tín hữu Công Giáo. Đã có lần ông tuyên bố: “Hoặc là Đạo Công Giáo bị tiêu diệt nơi làng này, hoặc là tôi sẽ chết”.

Ngày sau đó, quan tổng đốc đến thật. Ông truyền gọi tất cả các gia trưởng đến và bảo phải giao nộp hết các tín hữu Công Giáo trong làng. Dân làng cho biết các tín hữu Công Giáo đã bỏ làng trốn hết, chỉ còn lại một người tên Lưu. Quan truyền đi bắt ngay ông Lưu đem nộp.

Viên xã trưởng hăng hái đến nhà ông Lưu. Nhưng ông Lưu đã trốn khỏi nhà. Viên xã trưởng túm lấy đứa cháu ông Lưu và đe dọa: “Mày phải chỉ chỗ trốn của bác mày, không thì tao sẽ bắt nộp mày thế mạng cho bác mày”. Thằng bé biết rõ chỗ trốn của bác, nó run rẩy đến nói cho bác nghe lệnh truyền. Ông lưu bình tĩnh nói: “Cháu đừng sợ. Bác sẽ đến ngay”. Nói rồi ông Lưu rời chỗ trốn và đi ra đình nộp mình cho quan tổng đốc.

Quan hỏi: “Anh có phải là tín hữu Công Giáo không?”. Ông Lưu đáp: “Phải”. Quan nói: “Anh có muốn chối Đạo không?”. Ông Lưu trả lời: “Không”. Quan Tổng Đốc liền ra lệnh chém đầu ông Lưu. Ông Lưu vui mừng vì biết giờ phút mình đợi mong đã đến. Ông quỳ xuống, mở cúc áo, gấp cổ áo, để lộ cổ ra. Một lát gươm chém đứt đầu ông Lưu. Một người đứng gần đó nhảy đến, mổ ngực, móc trái tim ông Lưu và giơ cao cho mọi người thấy. Viên xã trưởng cũng có mặt tại đó. Ông reo to giọng chiến thắng: ”Đạo Công Giáo đã chết tại đây, ngày hôm nay rồi!..”

Thế nhưng định mệnh trớ trêu. Ít lâu sau, viên xã trưởng bị bắt giam vì tội ăn trộm. Ông bị chết trong tù. Ngày mà người ta đưa xác ông từ nhà giam về làng cũng là ngày các tín hữu Công Giáo lũ lượt vui mừng trở về làng. Đạo Công Giáo được tái sinh sống động nơi làng Chu-Gia-Siêu.


Thánh Hi-Chủ-Tử, tín hữu tân tòng bị ruồng rẫy

Thánh Hi-Chủ-Tử (1882-1900) chào đời trong một gia đình lương dân chất phát thuộc huyện Thâm-Châu, tỉnh-Hà Bắc.

Năm 18 tuổi, anh Tử nhất định xin theo Đạo Công Giáo. Anh tìm sách và tự học giáo lý cùng các kinh nguyện Công Giáo. Đây là thời kỳ bắt Đạo dữ dội tại Trung Quốc. Thấy con tỏ ý muốn theo Đạo Công Giáo, cha mẹ cùng cả gia đình và bè bạn liền cản ngăn và nói: “Đợi một ít lâu nữa, vì hiện tại, hoàng đế nước ta đang nổi giận tìm cách tiêu diệt Đạo Công Giáo”.

Thế rồi ngay trong gia đình anh Tử cũng nổi lên một cuộc bắt bớ khủng khiếp mà nạn nhân là chính anh. Không ai thèm nói với anh lời nào và chỉ tìm dịp để làm khổ anh thôi. Tết nguyên đán năm Canh-Tý 1900 trùng vào ngày 17-2 dương lịch. Theo tục lệ Trung Hoa, trong ngày Tết, các gia đình đều làm một thứ bánh cổ truyền gồm bột và thịt. Đến ngày này, cả gia đình lại hùa nhau làm khổ anh. Họ nói với anh: “Hoặc đi chùa cúng Phật, hoặc ở nhà và nhịn ăn bánh ngày Tết”. Anh Tử điềm tĩnh trả lời: “Nếu ba mẹ không cho con bánh thì con không ăn. Nhưng đi lễ chùa, con không đi”. Vậy là ngày Tết năm đó, anh Tử chẳng những không được ăn bánh mà còn phải nhịn ăn các món khác nữa. Ngày Tết đã trở thành ngày ăn chay cho anh Tử.

Nhưng Chúa Quan Phòng còn để dành cho anh Tử một thử thách khác lớn lao và đau đớn hơn. Khi cơn bắt Đạo bùng nổ dữ dội, các tín hữu Công Giáo trong làng bồng bế nhau chạy trốn. Anh Tử cũng muốn đi trốn với họ, nhưng ông trùm họ đạo nhất định không cho anh đi theo, sợ rằng chỉ là một tân tòng, anh Tử sẽ phản bội và giao nộp các tín hữu Công Giáo cho bọn giặc.

Bị từ chối, anh Tử liền tự mình tìm cách đến trốn nơi một làng khác có nhiều bảo đảm an ninh hơn.

Đang ẩn trốn, anh Tử được lệnh thân phụ truyền trở lại gia đình. Ông hứa sẽ để yên cho anh giữ Đạo. Tin lời cha và cảm thấy phải vâng lời cha, anh Tử lên đường trở về nhà.

Chẳng may trên đường về, anh Tử bị bọn giặc Quyền Phỉ bắt và ép phải vào chùa gần đó để lạy Bụt. Anh Tử từ chối. Thế là bọn lính trói anh dẫn về làng. Khi đi ngang qua nhà, anh Tử trông thấy mẹ. Bà chào anh nhưng không thèm nói lời nào để bênh vực con. Đến khi đi ngang qua nhà thờ của làng, anh Tử xin quỳ gối và đọc kinh. Đến nơi xử, anh quỳ gối, làm dấu Thánh Giá và nói với bọn lính: “Bây giờ các ông muốn làm gì tôi thì làm”. Bọn lính bắt đầu chặt cánh tay phải. Anh Tử nói với lính: “Các anh muốn chặt tôi thành bao nhiêu mảnh cũng được. Nhưng nên nhớ kỹ rằng, mỗi một mảnh của thân thể tôi đều thuộc về tín hữu Kitô hết đó nghe!” Nghe vậy, bọn lính tức giận hăng máu, chúng hùng hổ dùng dao đâm nát thân thể anh Hi-Chủ-Tử.

(Celestino Testore, S.I, “Sangue e Palme e Corone sul Fiume Giallo”, Curia Generalizia della Compagnia di Gesù, 1955).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN