HIẾU KÍNH SONG THÂN QUÁ CỐ


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Mẹ qua đời năm tôi bước vào tuổi 20. Đó là thử thách đầu tiên cuộc đời dành cho tôi. Niềm đau lớn lao đến độ tôi nghĩ mình không bao giờ còn có thể nở nụ cười vui hưởng cuộc sống. May mắn thay cùng với thời gian, nổi đau dần dần lắng dịu. Ngày tháng qua đi, tôi tìm lại mức tình cảm quân bình. Mùa xuân tiếp theo, tôi có thể chiêm ngắm vẽ đẹp huy hoàng của thiên nhiên: cảnh vật rạng tươi, trăm hoa đua nở.

Ngay sau khi Mẹ qua đời, mỗi lần đến nghĩa trang viếng mộ Mẹ, tôi khóc đầm đìa, nhớ Mẹ tha thiết. Nhưng rồi tôi ngạc nhiên nhận ra tư tưởng mình không còn lẩn quẩn với những tháng ngày Mẹ đau nặng, nằm liệt giường trước khi chết nữa. Sự kiện tôi thường xuyên đến viếng mộ Mẹ, chăm sóc hoa trồng chung quanh mộ Mẹ đã giúp tôi tìm được niềm thanh thản, sự an bình và vui lòng chấp nhận thử thách. Tất cả các anh chị em tôi cũng năng viếng thăm mộ Mẹ như tôi. Thời gian trôi qua, gia đình tôi phân tán. Các anh chị em tôi người có vợ, kẻ có chồng tản mác bốn phương. Chúng tôi chỉ có thể sum họp gia đình vào những dịp lễ lớn, đặc biệt vào ngày Lễ Các Thánh, 1-11 hàng năm, nơi nghĩa trang bên cạnh mộ Mẹ.

Riêng Cha tôi, người sống với gia đình tôi cho đến tuổi thật cao. Được hân hạnh chăm sóc thân phụ trong tuổi già, đã bù trừ trong tôi niềm đau mất Mẹ khi tuổi còn xuân. Giờ đây Cha đã yên nghỉ bên cạnh Mẹ. Từ đó tôi càng năng viếng thăm mộ Cha Mẹ hơn nữa.Khung cảnh vắng lặng nơi nghĩa trang làm phát sinh nơi tôi sự an bình thanh thản, tránh xa mọi ồn ào bon chen trong cuộc sống.

Đôi khi viếng mộ Cha Mẹ, tôi đảo mắt một vòng quan sát những người đến nghĩa trang. Tôi tự hỏi họ là ai và khóc thương người thân nào? Chúng tôi không quen biết nhau, nhưng mối tình huynh đệ thầm kín đã nối kết chúng tôi lại với nhau.

Một ngày, tôi bỗng chú ý đến ngôi mộ thô sơ, nằm phía sau mộ Cha Mẹ tôi. Ngôi mộ phủ đầy cây trường xuân và chỉ vỏn vẹn có cây Thánh Giá bằng gỗ, được kết bằng tay. Trên Thánh Giá có khắc mấy hàng chữ bằng đồng ghi tên và tuổi người quá cố: 22. Mỗi lần đi ngang mộ, tôi để ý thấy ngôi mộ luôn luôn được chăm sóc kỹ càng. Trí tưởng tượng tôi bày vẽ ra nhiều thiện cảm dành cho phụ nữ sớm từ biệt cõi đời khi tuổi còn xuân.

Mãi một hôm tôi thoáng thấy bóng cụ già đến thăm mộ. Tôi tự nhủ: Hẳn ông cụ đến thăm mộ hiền thê quá cố trẻ tuổi. Một ngày khi đến chăm sóc mộ Cha Mẹ trước Lễ Các Thánh, tôi lại trông thấy cụ già, khom lưng trên ngôi mộ. Tôi 'len-lén' theo dõi cụ. Nhận thấy cụ không có đủ dụng cụ, tôi ngỏ ý cho cụ mượn các dụng cụ của tôi. Cụ già nhã nhặn chấp nhận.

Sau cử chỉ làm quen đó, tôi kín đáo gợi chuyện. Tôi hỏi thăm ngôi mộ cụ đang chăm sóc là ai. Cụ già chậm rãi trả lời:

"Đây là mộ Mẹ tôi. Mẹ tôi qua đời vì bệnh sưng phổi năm 1912. Năm đó tôi lên 1 tuổi rưỡi. Dĩ nhiên tôi không nhớ khuôn mặt Mẹ, cũng không thật sự biết Mẹ. Chính tôi làm cây Thánh Giá này cho Mẹ. Tôi là người duy nhất đến viếng mộ Mẹ, vì Mẹ tôi không có con cái nào khác. Cha tôi tái giá và 'kế mẫu' chỉ chú ý đến các con của bà. Do đó, kể từ khi có trí khôn, tôi thường đến đây viếng mộ Mẹ, nói chuyện với Mẹ, kể lể cho Mẹ những vui buồn sướng khổ cuộc đời tôi. Lớn lên, vì công việc và vì gia đình, tôi phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, xa lìa ngôi mộ Mẹ. Nhưng tôi không bao giờ quên mộ Mẹ. Đối với tôi, 'Ngôi Mộ Mẹ' tượng trưng cho mái ấm gia đình. Mỗi lần đến đây, tôi có cảm tưởng mình về thăm nhà Mẹ .. Giờ đây tuổi cao, việc di chuyển trở nên khó khăn, nhưng bao lâu có thể, tôi vẫn còn đến viếng mộ Mẹ, ít là hai lần một năm. Tôi đã quá 80 tuổi. Nào ai biết tôi còn sống được bao lâu nữa!”

Tôi lặng lẽ nghe cụ già nói chuyện và tự nhiên nước mắt trào ra. Lòng tôi dâng lên niềm cảm phục bao la trước tâm tình thảo hiếu trung tín của cụ già. Cuộc đời vừa dạy tôi một bài học và một mẫu gương quý giá. Đó là lòng trìu mến chân thật của người con đơn sơ và quảng đại dành cho Mẹ hiền.

Trên đây là lời kể của bà Maria Lévay, phụ nữ Công Giáo Đông Âu.

("Reader's Digest Sélection”, Novembre/1998, trang 13-16).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN