PHÉP LẠ THÁNH THỂ (V)


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

1. MÁU THÁNH NHUỘM ĐỎ KHĂN THÁNH VÀ KHĂN TRẢI BÀN THÁNH.

Boxtel là thành phố nhỏ nằm cách Bois-le-Duc 2 dặm bên nước Hòa-Lan. Nơi đây vào năm 1380 đã diễn ra một Phép Lạ Thánh Thể. Câu chuyện diễn tiến như sau.

Linh Mục Eloi Aecker quản nhiệm thánh đường Đức Chúa Thánh Thần ở Essche. Một hôm Cha đến dâng Thánh Lễ tại nhà thờ Thánh-Phêrô ở Bostel nơi bàn thờ dâng kính Ba Vua. Sau khi đọc Lời Truyền Phép Bánh và Rượu, không rõ vì lúng túng thế nào, Cha làm đổ Chén Thánh. Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU đổ ra. Máu Thánh ban đầu mang màu rượu nho trắng, bỗng biến nhanh thành màu đỏ thắm của Máu, ghi rõ vết trên Khăn Thánh và khăn trải bàn thánh. Thật ra trước đó, tận nơi kín ẩn tâm hồn, Cha Eloi Aecker bị dằn vặt bởi nỗi nghi ngờ về sự hiện diện đích thực của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong Hình Bánh và Hình Rượu sau khi vị Linh Mục đọc Lời Truyền Phép. Giờ đây nhìn thấy tận mắt Rượu Thánh mang màu đỏ thắm của máu tươi, Cha cảm thấy kinh hoàng. Cùng lúc, Đức Tin của Cha được củng cố.

Tuy nhiên, Cha Eloi Aecker muốn giữ kín Phép Lạ Thánh Thể, không tỏ lộ cho ai biết. Sau Thánh Lễ, Cha kín đáo mang Khăn Thánh và Khăn trải Bàn Thánh về nhà. Cha dự định giặt sạch các dấu vết Máu in trên 2 Khăn Thánh rồi sẽ mang trả lại Nhà Thờ.

Nhưng càng giặt Cha càng cảm thấy bàng hoàng sợ hãi. Bởi lẽ, các vết Máu Thánh vẫn giữ nguyên trên 2 Khăn Thánh. Cha vội mang 2 Khăn Thánh ra con suối bên cạnh để giặt. Suối này chảy ra bờ sông Dommel. Cha thầm nghĩ: Có lẽ nước suối chảy sẽ có sức mạnh tẩy sạch các vết Máu in rõ nơi 2 Khăn Thánh. Nhưng hoài công. Các vết Máu vẫn giữ nguyên màu sắc như ban đầu. Cha Eloi Aecker lại tìm cách khác: sau khi giặt Cha đem phơi 2 Khăn Thánh thật lâu ngoài nắng. Cha làm như thế rất nhiều lần, nhưng vô ích. Mặc dầu thế, Cha vẫn không tiết lộ Phép Lạ Thánh Thể. Mãi đến lúc gần sinh thì, trên giường dọn mình chết, Cha mới trình bày mọi chi tiết liên quan tới Phép Lạ Thánh Thể cho Cha Giải Tội biết, trước sự hiện diện của 2 nhân chứng.

Sau khi Cha Eloi Aecker qua đời, Phép Lạ Thánh Thể được công bố. Kể từ đó tín hữu Công Giáo thành Boxtel cũng như toàn vùng được củng cố trong Đức Tin và được tăng thêm lòng sùng kính đối với bí tích Thánh Thể. Họ lũ lượt kéo đến kính viếng 2 Khăn Thánh có in dấu Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tín hữu âu yếm đặt tên cho thánh tích Thánh Thể là Khăn Máu-Thánh thành Boxtel. Nhà thờ lưu giữ 2 Khăn Thánh trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng nhất trong vùng.

Lòng sùng kính của các tín hữu Công Giáo Hòa Lan đối với Phép Lạ Thánh Thể thành Bostel đã được Đức Chúa GIÊSU thưởng công bội hậu. Các tín hữu hành hương nhận được rất nhiều phép lạ. Nhiều người được chữa khỏi bệnh hoạn tật nguyền. Trên tường nhà thờ gắn đầy bảng đá ghi ơn. Các nạn chống do các tín hữu khỏi bệnh để lại nhiều đến độ người ta phải đem đốt đi.

Các tín hữu Công Giáo còn đi xa hơn trong Đức Tin đối với Phép Lạ Thánh Thể. Họ uống nước nơi con suối Cha Eloi Aecker đã giặt Khăn Thánh. Với lời khẩn cầu tha thiết, nhiều người cũng được khỏi bệnh hoặc được giải thoát khỏi ma quỉ ám hại.

Tâm tình các tín hữu sùng kính đối với Phép Lạ Thánh Thể kéo dài trong vòng hai thế kỷ, cho đến lúc các bè rối nổi lên chống lại Giáo Hội Công Giáo. Để gìn giữ khỏi các vụ phạm thánh, các tín hữu Công Giáo đem Khăn Máu-Thánh thành Boxtel dấu ẩn nơi kín đáo an toàn. Sau đó họ đưa Khăn Thánh về thành Bois-le-Duc rồi về đan viện Thánh-Micae ở Anvers. Sau cùng nhà thờ Hoogstraten được chọn làm nơi cất giữ thánh tích Phép Lạ Thánh Thể kể từ ngày 20-5-1652.

Bao thế kỷ đã trôi qua, nhưng Khăn Máu-Thánh thành Boxtel vẫn giữ nguyên vẹn không bị hư hại hay biến đổi với thời gian.

2. XÚC PHẠM ĐẾN THÁNH THỂ: BỊ TRỪNG PHẠT

Sau nhiều năm phá rối Anh quốc bằng những luận cứ độc hại nhằm đánh tan nguồn gốc thánh thiêng của Giáo Hội Công Giáo và tín điều bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng, vào năm 1381, ông tổ lạc giáo Wiclef John (1320-1384) bắt đầu công khai xúc phạm đến bí tích Thánh Thể. Ông bác bỏ Đức Tin và công kích giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo liên quan đến việc Truyền Phép. Ông tuyên truyền:

- Bản chất của bánh và rượu vẫn giữ nguyên sau khi vị linh mục đọc lời Truyền Phép. Đức Chúa GIÊSU KITÔ quả thật không hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể. Vì thế, Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể không xứng đáng cho chúng ta tôn kính và thờ lạy!

Wiclef John còn cả gan nói lộng ngôn:

- Loài vật đứng hàng thứ yếu sau loài người, vẫn xứng đáng cho chúng ta dành mọi tôn kính hơn là “Bánh” sau khi được “Truyền Phép” trong Thánh Lễ!

Điều đáng buồn là lạc thuyết của Wiclef đã gặp được nhiều đồ đệ ngông cuồng của vương quốc Anh thời đó. Xin trưng dẫn một trường hợp điển hình.

Một thợ may chuyên nghiệp tên John giao trọn linh hồn và xác cho bè rối Wicléfisme. Ông trở thành người cuồng tín số một của lạc giáo. Ông dồn mọi nhiệt huyết cho việc loan báo tà thuyết. Ông tuyên truyền tại tư gia. Ông thuyết giảng cho đám đông dân chúng. Chính trong một buổi rao truyền lạc giáo nơi công cộng mà ông John bị giáo quyền bắt giam. Người ta đưa ông ra xử nơi tòa án của nhà thờ Thánh Phaolo ở thủ đô Luân-Đôn.

Đức Cha Thomas d'Arundel, Tổng Giám Mục Canterburry bấy giờ, tra vấn bị cáo liên quan đến Đức Tin của bị cáo đối với bí tích Thánh Thể. Ông John đáp ngay không chút do dự:

- “Bánh” được “Truyền Phép” chỉ là “bánh” được “chúc lành”, không hơn không kém. Tôi xin quả quyết như thế và tôi cũng trọn lòng tin tưởng như vậy!

Mặc cho mọi lý lẽ vững mạnh nhất vẫn không thuyết phục và lay chuyển được tâm trí ông lạc giáo John. Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục Thomas truyền cho ông John phải sấp mình thờ lạy Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Ông John vẫn ngoan cố đáp:

- Tôi thà thờ lạy con nhện, cho dù đó là con vật đáng ghê tởm nhất, còn hơn quì gối trước “Bánh Thánh Thể” của các ông!

Trời Cao tức khắc đáp lại thách thức “động trời” của ông lạc giáo. Ngay lúc ấy, mọi người có mặt nơi phiên xử đều trông thấy một con nhện khổng lồ khủng khiếp rơi từ trần nhà thờ xuống trước mặt ông John. Con nhện rơi thẳng trên đôi môi kẻ vừa nói lời lộng ngôn. Chưa hết, con nhện tìm mọi cách đi thẳng vào miệng ông John. Phải khó nhọc lắm người ta mới kéo con nhện ra khỏi miệng ông John.

Sự kiện trên đây diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều nhân vật đạo đời thuộc vương quốc Anh. Ngoài các vị Giám Mục Công Giáo còn có sự hiện diện của ông Edmond, công tước miền York và ông Thomas d'Oxone, quan chưởng ấn của triều đình. Tất cả kinh hoàng trước sự trừng phạt nhãn tiền của THIÊN CHÚA đối với kẻ phạm thượng. Đức Tổng Giám Mục Thomas d'Arundel liền đứng lên thuyết giảng về sự hiện diện thật sự của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong Hình Bánh và Hình Rượu sau khi vị Linh Mục đọc lời “Truyền Phép” trong Thánh Lễ.

3. TỪ ĐỒ ĐỆ LẠC GIÁO ĐẾN HIỆP SĨ ĐỨC CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

Năm 1382 diễn ra Công Nghị Luân-Đôn, dưới quyền chủ tọa của Đức Cha Guillaume Courtenay. Công Nghị bác bỏ và kết án các lý thuyết của bè rối Wicléfisme. Trong những ngày Công Nghị nhóm họp, giáo quyền thủ đô Luân-Đôn tổ chức cuộc rước kiệu Thánh Thể trọng thể với mục đích đền bù phạt tạ những lộng ngôn xúc phạm đến Đức CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ. Đức Giám Mục Guillaume Courtenay cũng tham dự cuộc rước kiệu. Ngài đi chân không, cùng với toàn thể hàng giáo sĩ và tất cả các tín hữu Công Giáo trong giáo phận, gồm đủ mọi thành phần xã hội với tuổi tác khác nhau, từ già đến trẻ. Mọi người muốn phạt tạ Thánh Thể Đức Chúa GIÊSU KITÔ bằng nước mắt và bằng lời nguyện cầu tha thiết. Xin THIÊN CHÚA nhân lành tha thứ và ban ơn hoán cải cho các tín hữu lầm lẫn đi theo bè rối Wicléfisme.

Hôm sau cuộc rước kiệu, ông Cornélius Glovius đến tham dự Thánh Lễ nơi tu viện các Anh Em Giảng Thuyết dòng thánh Đa-Minh. Ông Cornélius Glovius là hiệp sĩ nổi tiếng của vương quốc Anh vừa là thành viên cuồng nhiệt của bè rối. Người ta không rõ lý do nào thúc đẩy ông đến dự Thánh Lễ, chỉ biết rằng, chính nơi đây THIÊN CHÚA chờ đợi ông. Vào lúc Linh Mục giơ cao Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU cho mọi người thờ lạy, ông Cornélius không thấy gì khác ngoài Tấm Bánh Trắng. Nhưng khi vị Linh Mục phân chia Bánh Thánh, ông hiệp sĩ lạc giáo trông thấy giữa các ngón tay vị Linh Mục rõ ràng ba Miếng Thịt, chứ không phải hình dạng Bánh. Rồi khi vị Linh Mục cầm một phần Thánh Thể và giơ cao bên trên Chén Thánh thì phần Thánh Thể ấy lại trở về với hình dạng Bánh Thánh, nhưng mang chữ GIÊSU viết bằng máu.

Hiệp sĩ Cornélius Glovius là người duy nhất được đặc ân trông thấy hiện tượng lạ trên đây. Bởi vì, khi ông chất vấn các đầy tớ tháp tùng ông thì những người này quả quyết họ không trông thấy gì.

Ngày hôm sau, nhằm Chúa Nhật lễ trọng kính THIÊN CHÚA Ba Ngôi, một vị Linh Mục thời danh thuyết giảng trước công chúng tại nhà thờ Thánh Phaolô. Ông Cornélius Glovius cũng đến đây và xin vị Linh Mục kể lại cho đám đông nghe hiện tượng lạ chính ông được diễm phúc chứng kiến ngày hôm trước. Sau lời kể của vị giảng thuyết, ông Cornélius Glovius liền đứng lên và làm chứng cho những lời kể của vị Linh Mục là đúng sự thật. Ông còn quả quyết thêm:

- Chính THIÊN CHÚA can thiệp để biến đổi con tim chai cứng của tôi thành con tim khiêm tốn. Tôi xin lớn tiếng tuyên xưng rằng: tôi tin vững vàng nơi sự hiện diện thật sự của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong Bí Tích Thánh Thể.

Tất cả các tín hữu Công Giáo có mặt nơi nhà thờ Thánh Phaolô ở thủ đô Luân-Đôn hôm ấy cảm động và vui mừng không kể xiết. Bởi vì, mới mấy ngày trước đây, ông còn là một đồ đệ cuồng tín trung thành của lạc thuyết Wicléfisme. Vậy mà giờ đây chỉ một sớm một chiều ông trở thành người bênh vực và là hiệp sĩ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể. Từ đó, với lý luận vững chắc đi kèm cuộc hoán cải công khai, ông Cornélius Glovius trở thành một trong những kẻ đánh bại các luận cứ sai lầm của bè rối Wicléfisme.

(Père Eugène Couet, ”Les Miracles Historiques du Saint Sacrement”, Éditions D.F.T, Réédition 1998).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN