PHÉP LẠ THÁNH THỂ (I)


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

1. THÁNH ANTÔN VÀ PHÉP LẠ THÁNH THỂ TẠI TOULOUSE

Thánh Antôn thành Padova (1195-1231) là tu sĩ hèn mọn dòng thánh Phanxicô thành Assisi (1182-1226), Tiến Sĩ Hội Thánh. Có thể nói ngài là một trong những vị thánh được kêu cầu nhiều nhất của Giáo Hội Công Giáo. Thánh Antôn gốc Bồ-đào-nha nhưng đã chọn Italia làm quê hương thứ hai và trở thành người Ý. Ngài có tên thật là Fernando. Tài hùng biện kèm theo tâm tình đạo đức sâu xa đã khiến các Bề Trên gởi Cha Antôn đi thuyết giảng nhiều nơi. Linh Mục Antôn có biệt tài bẽ gãy mọi lý lẽ của bọn lạc giáo - cách riêng nhóm Albigeois - lúc ấy đang tung hoành tại Toulouse và vùng Tây Nam nước Pháp. Mức độ thánh thiện của Linh Mục tu sĩ Antôn trổi vượt đến độ, chỉ vỏn vẹn một năm sau khi ngài qua đời, Đức Giáo Hoàng Gregorio 9 (1227-1241) đã nâng Cha Antôn lên bậc hiển thánh! Đó là năm 1232.

Ưu điểm cuộc đời thánh Antôn là lòng tôn sùng Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể. Chính tâm tình kính yêu này đã giúp thánh nhân đánh bại mọi tấn kích vô thần đối với Đức Tin Công Giáo. Một ngày, thánh Antôn có mặt tại Toulouse để bác bỏ các lầm lạc của nhóm Albigeois liên quan đến bí tích Thánh Thể. Cuộc tranh cãi diễn ra vô cùng sôi nổi. Thánh Antôn lý luận rành mạch và vững mạnh đến độ nhóm lạc giáo phải cứng miệng. Cứng miệng nhưng không dễ đầu hàng. Họ cố gắng cầm cự cho đến phút chót. Sau cùng, trưởng nhóm lạc giáo đề nghị:

- Dẹp một bên các lý luận. Bây giờ chúng ta đi vào thực tế. Nếu ông có thể đưa ra một bằng chứng, qua một phép lạ tỏ tường, trước sự chứng kiến của toàn dân rằng: Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ hiện diện thật sự trong Bánh Thánh, thì tôi sẵn sàng từ bỏ lạc giáo và trở về với Đức Tin Công Giáo.

Đầy tin tưởng nơi quyền năng vô biên của Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể, thánh Antôn trả lời ngay:
- Tôi chấp thuận đề nghị của anh.
Ông lạc giáo Albigeois nói tiếp:
- Ở nhà tôi có một con la cái. Tôi sẽ nhốt nó vào chuồng và bỏ nó nhịn đói 3 ngày. Ngày thứ ba, tôi sẽ dẫn nó đến đây, trước mặt mọi người, và dọn cho nó một thùng kiều mạch thơm ngon. Còn ông, ông hãy đưa cho nó ”cái” mà ông gọi là Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Nếu con vật bị đói mà không thèm ăn của ngon người ta dọn cho nó nhưng lại chạy đến cùng Đấng THIÊN CHÚA, mà theo lời ông, hết mọi thọ sinh phải bái gối thờ lạy, thì tôi sẽ trọn lòng tin nơi giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo.

Đúng ngày hẹn, toàn thể dân thành Toulouse chen chúc có mặt tại quảng trường chính, nơi diễn ra cuộc thách thức. Tín hữu Công Giáo cũng như đồ đệ lạc giáo, mỗi người dấu ẩn một tâm tình riêng tư. Gần đó, trong một nhà nguyện, thánh Antôn dâng Thánh Lễ thật sốt sắng.

Bên ngoài, ông lạc giáo Albigeois kéo con la cái đến và truyền mang cho con vật thức ăn nó ưa thích. Nhóm lạc giáo có mặt đông đảo lộ vẽ hoan hỉ như cầm chắc thắng lợi. Thánh Antôn từ thánh đường bước ra, tay giơ cao Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Giữa bầu khí im lặng như tờ, thánh Antôn lớn tiếng ra lệnh cho con lừa:

- Nhân danh THIÊN CHÚA, Đấng tạo dựng nên ngươi, và mặc dầu bất xứng, ta đang giữ Ngài trong tay ta, ta truyền cho ngươi, hỡi con vật đáng thương, hãy mau lẹ đến quỳ gối thờ lạy Người. Phải làm cho các kẻ lạc giáo nhìn nhận rằng, mọi thọ sinh đều phục tùng Đấng THIÊN CHÚA Tạo Hóa mà vị Linh Mục Công Giáo được diễm phúc làm cho Ngài ngự xuống trên bàn thờ.

Cùng lúc ấy, người ta đưa thùng kiều mạch thơm ngon đến trước mặt con lừa. Lạ lùng thay, con lừa không đoái hoài đến thức ăn. Trái lại, nó nghe theo lệnh của thánh Antôn. Nó gập hai cẳng trước và quì xuống cung kính thờ lạy Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Trước cảnh tượng này, các tín hữu Công Giáo vui mừng không tả xiết. Còn nhóm lạc giáo thì tỏ ra kinh hoàng rúng động. Trước phép lạ tỏ tường, ông trưởng nhóm lạc giáo Albigeois đã giữ đúng lời hẹn. Ông từ bỏ lạc giáo và khiêm tốn trở về với giáo huấn chân thật của Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.

2. ĐỒ ĐỆ LẠC GIÁO ZWINGLI HOÁN CẢI NHỜ PHÉP LẠ THÁNH THỂ

Đan viện hoàng gia San Lorenzo ở Escurial bên Tây-Ban-Nha, do vua Philipphê II (1527-1598) thành lập. Nơi đây có tôn kính Bánh Thánh Phép Lạ. Hơn 4 thế kỷ trôi qua nhưng Bánh Thánh vẫn giữ nguyên vẹn bản chất. Bánh Thánh Phép Lạ được đặt nơi bàn thờ bên trong Phòng Thánh. Bánh Thánh được che khuất bởi một bức tranh tuyệt đẹp. Bức tranh diễn tả vua Carlo II (1661-1700) cùng với toàn thể triều đình đang quì gối thờ lạy Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Sử liệu đan viện San Lorenzo ghi lại sự tích Bánh Thánh Phép Lạ như sau.

Thế kỷ 16 là một trong những thế kỷ đau thương nhất của Giáo Hội Công Giáo. Tại Âu Châu nổi lên phong trào Cải Cách đưa đến sự ly khai làm phát sinh các hệ phái Tin Lành. Nổi bậc nhất là 3 ông tổ lạc giáo: Jean Calvin (1509-1564) người Pháp, Martin Luther (1483-1546), người Đức và Ulrich Zwingli, người Thụy Sỹ.

Hòa Lan lâm cảnh nội chiến đẫm máu, dưới chiêu bài tôn giáo. Đâu đâu cũng gặp cảnh tang thương chết chóc. Các thánh đường và các tu viện bị xúc phạm, đốt cháy. Lợi dụng “nước đục thả câu” nhóm lạc giáo Zwingli cũng xuất đầu lộ diện đánh phá khắp nơi.

Một ngày trong năm 1592, đồ đệ Zwingli hùng hổ xông vào thành Gorkum. Họ đập ảnh tượng thánh và theo thói dữ vẫn làm, họ đi đến chỗ phạm thánh. Họ ùa vào nhà thờ chánh tòa ăn cướp những gì có giá trị. Sau cùng họ cướp Bình đựng Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ và trút bỏ các Bánh Thánh xuống đất. Chưa hết, như bị quyền lực Satan điều khiển, họ còn dám giơ chân đạp lên Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Trước hành động xúc phạm, Đức Chúa GIÊSU KITÔ không trừng phạt nhãn tiền các thủ phạm. Ngài chỉ để lại một dấu tích như bằng chứng đau thương của lòng Nhân Hậu. Một Bánh Thánh bị chà đạp bỗng tuôn ra máu tươi của người sống.

Chứng kiến hiện tượng lạ lùng, một trong các đồ đệ lạc giáo nhận được ơn hoán cải. Tạm gọi tên ông là Gioakim. Ông Gioakim vừa có tâm tình kính tôn trước Phép Lạ Thánh Thể vừa kinh hoàng về hành động phạm thượng của mình. Hai tâm tình hỗn độn đó khiến ông bị đứng im như trời tròng. Ông muốn chạy lại cầm lấy Bánh Thánh Phép Lạ nhưng một sức mạnh vô hình ngăn cản không cho ông nhúc nhích. Sau một lúc phấn đấu, ông chạy như điên ra khỏi nhà thờ. Ông chạy một mạch đến thẳng nhà Vị Tổng Đại Diện lúc bấy giờ là Đức Ông Jean Vander Delpht. Ông xúc động kể lại cho Cha Bề Trên giáo phận nghe biến cố phạm thánh vừa diễn ra nơi nhà thờ chánh tòa.

Đức Ông cùng ông Gioakim đến ngay nhà thờ. Với tâm tình tràn đầy kính tôn trước Bánh Thánh Phép Lạ, Đức Ông mang Bánh Thánh chạy trốn khỏi nhóm lạc giáo Zwingli. Cả hai rời Gorkum tiến về thành phố Malines và đến thẳng tu viện các tu sĩ dòng Thánh Phanxicô. Đức Ông giao cho các tu sĩ nhiệm vụ cất giữ Bánh Thánh Phép Lạ đồng thời làm việc đền tạ vì Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể bị xúc phạm.

Về phần ông Gioakim, ông hoàn toàn ăn năn về tội lỗi tầy trời của mình. Ông không muốn rời xa Bánh Thánh Phép Lạ. Ông xin các tu sĩ cho phép ở lại tu viện. Sau thời gian chay tịnh, khóc lóc đền bù tội phạm thánh, ông xin gia nhập tu viện. Từ đó ông tiếp tục cuộc sống tu trì trong tâm tình thống hối và yêu mến tràn bờ đối với Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể.

Bánh Thánh Phép lạ được tôn kính nơi tu viện các tu sĩ Phanxicô ở Malines một thời gian. Sau đó vì cẩn trọng, Bánh Thánh được đưa sang Vienne, thủ đô nước Áo, rồi lại chuyển đến Praha, thủ đô nước Tiệp. Sau cùng, Bánh Thánh Phép Lạ được đưa sang Tây-Ban-Nha, đặt nơi Đan viện hoàng gia San Lorenzo ở Escurial.

3. CHIẾN THẮNG NHỜ ĐỨC CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

Năm 1239, một cuộc chiến kinh hoàng càn quét đất nước Tây-Ban-Nha. Trước tiên, quân Ả-Rập hồi giáo tiến chiếm thành Valencia. Valencia nằm về mạn Đông Nam Tây-Ban-Nha. Một ngày, nhóm hồi giáo bất ngờ đem quân đông đảo nhằm đánh phá tan tành quân lực Công Giáo chỉ gồm khoảng 1 ngàn binh sĩ. Thấy cơ nguy, binh sĩ Công Giáo chạy vào trấn thủ nơi một lâu đài. Với con số quá ít ỏi so với địch quân, lại thêm địa thế cách xa Valencia, binh sĩ Công Giáo gần như cầm chắc thất bại trong tay.

Không còn hy vọng nơi bất cứ quyền lực thế trần, binh sĩ Công Giáo đặt trọn niềm tin nơi sự trợ giúp của Trời Cao. Họ cũng muốn chuẩn bị tinh thần trước khi khởi sự cuộc chiến bằng cách lãnh nhận hai bí tích Giải Tội và Thánh Thể. Thế nhưng, hiểm nguy đến gần, thời giờ khẩn cấp mà chỉ có một Linh Mục. Tất cả các binh sĩ không thể cùng lãnh nhận 2 bí tích. Họ nhanh chóng đề cử 6 vị tướng tham dự Thánh Lễ thay cho toàn số binh sĩ. Trong lúc đó, các binh sĩ Công Giáo túc trực sẵn sàng đẩy lui mọi tấn kích của quân thù.

6 vị tướng dọn mình xưng tội. Rồi họ đứng quanh bàn thánh sốt sắng tham dự Thánh Lễ. Thánh Lễ đến hồi truyền phép và sau đó mọi người chuẩn bị rước lễ. Vào chính lúc ấy, còi báo động vang lên báo hiệu quân hồi giáo đang tiến vào. Nhanh như chớp, 6 vị tướng vơ vội vũ khí và chạy như bay nhập hàng với các binh sĩ. Không muốn phơi bày Mình Thánh Chúa cho quân hồi giáo xúc phạm, vị Linh Mục cẩn trọng đặt tất cả Bánh Thánh vào Khăn Thánh, gói kín lại và dấu dưới một viên đá.

Đức Chúa GIÊSU KITÔ như cảm động trước tâm tình tín thác vô bờ của các tướng lãnh cùng binh sĩ Công Giáo thành Valencia đối với bí tích Thánh Thể. Ngài không để họ phải thất vọng. Ngài ra tay uy quyền cứu giúp. Đức Chúa GIÊSU đã xuất hiện cách oai hùng, dẫn đầu đoàn binh Công Giáo ít ỏi, chống trả quân hồi giáo vô cùng đông đảo. Thế là nhóm Ả rập thất kinh hồn vía, ù té bỏ chạy như điên.

Quân lực Công Giáo Tây Ban Nha chiến thắng vẻ vang mà không mảy may tổn thất. Đầy lòng tri ân trước chiến thắng bất ngờ, các tướng lãnh Công Giáo quyết định thi hành chương trình thiêng liêng đã vạch ra trước khi bị tấn công. Đó là lãnh nhận Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Vị Linh Mục hân hoan chạy đến chỗ dấu ẩn, lấy Mình Thánh Chúa và đưa về bàn thờ. Nhưng lạ lùng thay, khi vị Linh Mục mở Khăn Thánh ra thì thấy các Bánh Thánh lấm tấm các giọt máu và Máu dính vào Khăn Thánh.

Thay vì tỏ ra kinh hãi, các binh sĩ Công Giáo Tây Ban Nha nghĩ rằng, chính Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ đã giúp cho cuộc giao tranh đi đến chỗ chiến thắng ngoài mức chờ mong.

Trong khi đó, quân Ả Rập hồi giáo sau khi chạy tán loạn, liền qui tụ lại. Họ hổ thẹn vì đã thất trận ê chề. Lần này họ cương quyết đánh giết tan tành nhóm binh lính Công Giáo. Về phía binh sĩ Công Giáo, được củng cố nhờ sự trợ giúp thần linh của Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể, không hề tỏ ra nao núng sợ hãi. Họ xin vị Linh Mục cầm Khăn Thánh có in Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ rồi đứng trên một nơi thật cao, làm thế nào để tất cả các binh lính Công Giáo đều có thể trông thấy. Như được kích động bởi Máu Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ, các binh sĩ Công Giáo hăng say chiến đấu. Họ xông tới giết chết cách dễ dàng toàn bộ nhóm quân hồi giáo.

Cuộc chiến thắng vinh quang thứ hai chấm dứt cuộc giao tranh đẫm máu của quân Ả Rập hồi giáo muốn đánh phá và chiếm đoạt thành Valencia của các tín hữu Công Giáo.

(Père Eugène Couet, ”Les Miracles Historiques du Saint Sacrement”, Éditions D.F.T, Réédition 1998).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN