VĂN THI SĨ PHÁP PAUL CLAUDEL

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Ngày 6-8-1968, nước Pháp mừng kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Paul Claudel (1868-1955).

Dĩ nhiên dân Pháp tưởng niệm Paul Claudel dưới hình ảnh nhà ngoại giao và văn thi sĩ đại tài. Nhưng người ta cũng không quên nhắc đến ông như mẫu gương của một tín hữu Công Giáo có lòng tin chín mùi, vững chắc và nhất là, mẫu gương của một người con ngoan thảo của Nữ Trinh Rất Thánh MARIA.

Paul Claudel chào đời trong gia đình Công Giáo tại Villeneuve-sur-Fère, một làng nhỏ nằm về phía bắc Paris, thủ đô nước Pháp. Cậu bé Paul được rửa tội một tháng sau đó, nhằm lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ MARIA: 8-9-1868.

Từ nơi cha mẹ, Paul chỉ thừa hưởng bí tích rửa tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Thế thôi. May mắn thay, trong tuổi thơ ấu, Paul được người vú già tên Victoire hết lòng thương yêu và thường kể cho cậu nghe những câu chuyện lành thánh. Nhờ thế mà khi bắt đầu biết đọc, Paul say mê đọc “Sách truyện các Thánh”.

Cuộc sống nơi tỉnh nhỏ giúp gia đình Paul Claudel còn khắng khít đôi chút với tôn giáo. Khi gia đình chuyển lên thủ đô Paris cuộc sống đạo hoàn toàn chấm dứt. Riêng đối với Paul, cậu cũng mất hẳn Đức Tin Kitô khi bước vào trường Trung Học. Từ nay chàng thiếu niên chỉ biết có thuyết vũ trụ cơ giới, thuyết nhất nguyên, nghĩa là những thuyết đương thời nghiêng về vũ trụ vật chất và chối bỏ sự hiện hữu của tinh thần và của Thiên Chúa.

Chính trong bầu khí vô thần ấy mà Paul Claudel đi vào thế giới văn chương, thơ phú và suy tư. Càng đâm đầu vào chủ nghĩa duy vật, Paul càng cảm thấy chán ngán và trống rỗng. Tâm hồn chàng luôn cảm thấy thiếu thốn và khao khát vô biên. Đi lối nào, hướng về đâu, chàng cũng đụng phải bức tường thể xác của chính mình! Cuộc sống vô vị đến độ có lúc làm chàng tuyệt vọng và muốn quyên sinh.

Cuộc tìm kiếm vô biên kéo dài mãi đến năm 18 tuổi. Paul Claudel bắt đầu đến nhà thờ, tham dự các nghi lễ phụng vụ. Chính tại đây, Thiên Chúa chờ đợi người con hoang đàng trở về với Ngài. Cũng chính nơi này, Trinh Nữ MARIA đã làm phép lạ, lay động tâm lòng chàng trai thời đại.

Lễ Giáng Sinh năm 1886 nhằm ngày thứ bảy. Paul Claudel đã tham dự Thánh Lễ ban sáng, nhưng vào ban chiều, chàng muốn trở lại nhà thờ Đức Bà Paris để tham dự buổi hát Kinh Chiều trọng thể. Chàng vào và đứng nơi trụ có đặt bức tượng Đức Mẹ ẵm Chúa GIÊSU Hài Đồng. Bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật của thế kỷ 14.

Buổi hát Kinh Chiều diễn ra như thường lệ. Lúc Ca đoàn xướng kinh MAGNIFICAT, bỗng một biến cố phi thường xảy xa nơi nội tâm Paul Claudel. Chàng kể lại sau đó trong cuốn “Hoán Cải” rằng: “Trong giây lát, lòng tôi bị xúc động, đôi mắt tinh thần tôi mở ra và tôi tin. Ôi những kẻ có Đức Tin thì có phúc biết là chừng nào! Tất cả trở thành sự thật. Thiên Chúa hiện hữu. Ngài đang có mặt nơi đây. Ngài là Đấng Hằng Sống. Ngài hiện hữu thật sự như chính tôi hiện hữu. Ngài yêu thương tôi và kêu mời tôi đến với Ngài .. Nước mắt tôi tuôn trào và tôi bật lên khóc nức nở”.

Chính hình ảnh thơ bé của Thiên Chúa làm người nằm trong Máng Cỏ đã lay động lòng Paul Claudel. Nhưng một điểm khác cũng góp phần lay động lòng chàng, đó là sự kiện: Thiên Chúa làm người sinh ra từ một phụ nữ và phụ nữ đó có tên là MARIA. Từ sự kiện lạ thường này, Claudel hướng lòng về với Trinh Nữ MARIA, nhận ra Trinh Nữ chính là Tác Giả cuộc trở về của chàng. Khi viết lại cuộc hoán cải của mình, Paul Claudel thân thưa với Đức MARIA như sau:

“Thật ra chính Mẹ mới là Người đánh động lòng con.. Giữa đám đông, con chỉ là một người như bao người khác và còn tệ hơn, con chỉ là kẻ khốn cùng đáng thương. Vậy mà Mẹ đã đoái nhìn đến con. Và tất cả những gì xảy ra nơi con vào buổi hát Kinh Chiều ngày Lễ Giáng Sinh năm đó, là do chính Mẹ điều khiển. Chính Mẹ là người chủ động cuộc hoán cải của con”.

Nhưng cuộc trở về của Paul Claudel không trơn tru dễ dàng. Chàng còn phải chiến đấu khốc liệt trong vòng 4 năm trời. Mãi đến Lễ Giáng Sinh năm 1890, Claudel mới thực sự lãnh nhận 2 Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, cũng tại nhà thờ Đức Bà Paris. Cùng năm đó, chàng cho xuất bản cuốn “Tête d'or - Đầu Vàng”, ghi lại thảm trạng cuộc chiến nơi mỗi một người. Nơi nội tâm con người, không ngừng diễn ra cuộc tranh chấp giữa hai ước muốn trái nghịch nhau: thiện và ác - xác thịt và tinh thần. Cuộc tranh chấp chỉ có thể kết thúc khi nào con người biết vượt khỏi chính mình và biết nhận ra Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa.

Từ đó, nhà thờ Đức Bà Paris trở thành địa điểm hành hương thân yêu và lý tưởng của Paul Claudel. Ông thường đến viếng nhà thờ và tham dự các nghi lễ phụng vụ. Ông cũng đi hành hương các đền thánh Đức Mẹ nổi tiếng như: Lộ Đức, La Salette, Le Puy và Đức Bà Thắng Trận ở Paris.

Trong những ngày cuối đời, Paul Claudel lui về sống ở Brangues. Nơi đây, tại nhà thờ giáo xứ có bức tượng Đức Mẹ thật đẹp. Mỗi ngày, ông đều đến quỳ gối cầu nguyện thật lâu trước bức tượng Đức Mẹ.

(Jean Barbier, “CONVERTIS PAR MARIE”, Editions Saint Paul, 1993, trang 11-21).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN