NỮ GIÁO DÂN ANH DŨNG ĐẠI HÀN


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Năm 1984, Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn (Triều Tiên) mừng kỷ niệm 200 năm (1784-1984) dân tộc Đại Hàn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhân dịp này, trong chuyến công du mục vụ Hàn Quốc, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đã long trong nâng 103 Vị Tử Đạo Đại Hàn lên hàng Hiển Thánh. Lễ tôn phong diễn ra tại thủ đô Séoul (Nam Hàm) ngày 6-5-1984.

Việc đem Đạo Công Giáo vào Triều Tiên đã phải trả bằng giá máu của không biết bao nhiêu tín hữu vô tội. Họ liều chết để bảo vệ mạng sống vị Linh Mục Công Giáo Trung Hoa đầu tiên, lẻn vào truyền đạo. Đó là Cha Giacôbê Choi. Trong số các tín hữu anh dũng phải kể đến phụ nữ can đảm: bà Colomba Kang.

Trong lúc vua chúa và triều đình Triều Tiên sôi sục vì tin vị Linh Mục đã lẻn vào nội địa để rao giảng Kitô Giáo, ngày 27-6-1795, một người ngầm báo cho công an biết vị Linh Mục đang ẩn tại nhà tín hữu Công Giáo tên Mathias Chu, ở phía Bắc Séoul. Tin không lành tức tốc được thông báo cho nhà vua. Nhà vua ký ngay sắc lệnh truy nã vị Linh Mục.

Khi mật báo vừa bị lộ, các tín hữu Công Giáo Triều Tiên can đảm phản ứng tức khắc. Họ di chuyển vị Linh Mục đi nơi khác. Để cuộc chạy thoát thêm phần chắc chắn, ông Mathias Chu hóa trang làm Cha Giacôbê Choi. Công an liền bắt ông Chu cùng với hai tín hữu Công Giáo Triều Tiên khác. Cả ba bị đánh đập, tra tấn dã man và bị xử tử ngay đêm hôm sau đó. Trong khi ấy Cha Choi được đem đến nhà bà Colomba Kang, phụ nữ hiền đức. Mặc dầu thấy trước hiểm nguy, bà Kang vẫn nhận lời cho vị Linh Mục Công Giáo ngoại quốc trú ẩn trong nhà mình.

Colomba Kang là phụ nữ cương trực, tiêu biểu cho mẩu người đàn bà Đại Hàn không bao giờ lùi bước trước gian nguy. Sinh ra trong gia đình Phật Giáo thuộc dòng quý tộc, lớn lên cô Kang được gả cho người đàn ông có cùng cấp bậc xã hội như cô. Nhờ người bạn của chồng, bà Kang được nghe nói đến một tôn giáo mới, tôn giáo của ‘‘Vị Thầy Chủ Tể Trời Đất”. Từ đó bà tìm kiếm sách vở để đọc biết thêm về tôn giáo mới lạ ấy. Vô cùng ngưỡng mộ trước nét đẹp diệu kỳ của Phúc Âm, bà tự xưng là tín hữu của tôn giáo này và hăng say truyền bá Đạo Kitô cho những người sống chung quanh.

Bà Kang lần lượt thuyết phục được Cha Mẹ ruột, rồi Mẹ chồng, tin theo giáo lý đạo Công Giáo, chỉ trừ người chồng. Chồng bà nhất định không nghe theo lời giảng thuyết của bà. Hơn nữa cuộc bách hại Đạo Công Giáo lúc đó đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Thấy không lay chuyển được chồng, bà Kang liền đem Mẹ chồng và hai con nhỏ đến sống tại Séoul. Trong cuộc bách hại vào năm 1791, bà Kang thăm viếng các tín hữu Công Giáo bị bắt giam và mang thức ăn đến cho họ.. Đang lúc bà hăng say làm việc tông đồ như thế, người ta mang Cha Giacôbê Choi đến xin bà cho trú ẩn. Cha ghi nhận lòng nhiệt thành của bà nên Rửa Tội cho bà, vì cho đến lúc bấy giờ, bà Kang vẫn chưa được Rửa Tội. Rồi Cha giao cho bà việc dạy giáo lý cho tân tòng.

Trú ẩn trong nhà bà Colomba Kang, Cha Giacôbê Choi phần nào được an toàn. Công an chỉ được lục xét nhà các gia đình quý phái khi có lệnh đặc biệt của quan Tổng Đốc. Cũng nhờ tước hiệu quý tộc mà bà Kang dễ dàng ra vào nhà thường dân. Bà làm việc tông đồ không biết mỏi mệt. Bà cũng thường xuyên viếng thăm một gia đình quý phái khác tại Séoul và đem gia đình theo Đạo Công Giáo. Gia đình này đôi khi rước Cha Giacôbê Choi về trú ẩn trong dinh thự của họ. Vào năm 1800, tín hữu Công Giáo tại Triều Tiên đạt tới con số 10 ngàn.

Năm 1800 ghi dấu biến cố thảm khốc đối với cộng đoàn Công Giáo tiên khởi tại Triều Tiên. Vua Chong-Cho băng hà. Hoàng Hậu Kim là vợ thứ hai lên nhiếp chính. Bà rất thù ghét Đạo Công Giáo. Tháng giêng năm 1801 bà hạ tay ký sắc lệnh ngăm cấm Đạo Công Giáo. Tháng sau, bà ký sắc lệnh khác kết án tử tất cả những ai dám cả gan tin theo Đạo mới này. Các cuộc truy nã bắt bớ tín hữu Công Giáo bắt đầu. Nhà bà Colomba Kang cũng bị lục xét. May mắn thay Cha Giacôbê Choi kịp giờ trốn thoát, nhưng bà Kang bị bắt cùng với gia nhân. Công an đánh đập bà để bà phải khai chỗ trú ẩn của Cha. Bà cương quyết không tiết lộ. Nhưng người đầy tớ bà vì bị đánh đau quá, liền khai chỗ trú của Cha Choi. Thế là những cuộc lùng bắt khác liên tiếp xảy ra thật khủng khiếp. Không nỡ để các tín hữu Công Giáo bị bắt và bị giết, Cha Giacôbê Choi tự nộp mình. Cha bị chém đầu ngày 31-5-1801. Hơn một tháng sau, ngày 3-7, bà Colomba Kang cũng bị mang ra hành quyết. Bà sốt sắng giơ tay làm dấu Thánh Giá trước khi đưa cổ cho lý hình chém. Giòng máu tử đạo của bà đã góp phần làm tăng mạnh giáo đoàn Triều Tiên cho đến ngày nay.

‘‘Tìm đâu ra một người vợ đảm đang? Nàng quý giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc, chứ không gây tai họa cho chồng .. Nàng thức dậy khi trời còn tối, cung cấp phần ăn cho cả nhà .. Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ và đưa tay cứu kẻ khốn cùng .. Chồng nàng được tiếng thơm nơi cổng thành, khi ngồi chung với hàng kỳ mục trong dân .. Trang phục của nàng là quyền uy danh giá. Nàng mĩm cười khi nghĩ đến tương lai. Nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói và dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban. Nàng để mắt trông nom mọi việc trong nhà. Bánh nàng ăn là do mồ hôi nước mắt nàng làm ra. Con nàng đứng lên ca tụng nàng có phúc. Chồng nàng cũng tấm tắc ngợi khen: ‘‘Có nhiều thiếu nữ đảm đang, nhưng em còn trổi trang gấp bội”. Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân. Người phụ nữ kính sợ THIÊN CHÚA mới đáng cho người đời ca tụng. Hãy để cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra. Ước chi nơi cổng thành, nàng luôn được tán dương ca tụng do những việc nàng làm” (Châm Ngôn 31,10-31).

(”LE CHRIST AU MONDE”, 11+12/1988, trang 428-430).

Luca Hoàng là quí tử duy nhất của gia đình ngoại giáo khá giả Triều Tiên. Hoàng là kết tụ mọi niềm hy vọng của gia đình, dòng tộc, đặc biệt là của thân phụ. Đối lại, Hoàng cũng tỏ ra xứng đáng với lòng kỳ vọng của Cha. Năm 20 tuổi, Hoàng khăn gói cùng người đầy tớ lên đường đến thủ đô Séoul để tham dự cuộc khảo hạch về văn chương. Nhưng rồi một vận mệnh cao quý hơn đang đợi chờ chàng ..

Đường từ tỉnh lỵ lên kinh đô xa xôi vạn dặm. Chiều tối, Hoàng vào nghỉ đêm nơi quán trọ. Tại đây, anh may mắn gặp một học giả Công Giáo. Giữa câu chuyện vui hai người dần dần bàn đến chuyện tôn giáo và Hoàng say sưa nghe vị học giả trình bày về giáo lý Công Giáo. Thật lạ kỳ mà cũng thật hấp dẫn. Hoàng muốn đào sâu hơn giáo lý Công Giáo và hỏi xin vị học giả các sách vở liên quan đến Đạo.

Sau khi nhận một số sách Công Giáo cần thiết Hoàng quay ngựa về quê ..

Thấy con trai trở lại nhà trước thời hạn, ông thân sinh vừa ngạc nhiên vừa lo lắng. Ông hỏi dồn dập: ‘‘Sao con về sớm thế? Có gì làm con buồn lòng? Ngày thi chưa bắt đầu mà!” Bị gặn hỏi Hoàng trả lời: ‘‘Con thi đậu với điểm số cao”. Nhưng thân phụ thoáng nghi ngờ. Ông vặn lại: ”Con bịa chuyện phải không? Ngày thi còn xa mà! Vậy thì con thi môn gì?” Anh Hoàng đành thú nhận: ‘‘Thưa đây là cuộc khảo hạch về Thiên Đàng mà con đã đạt được cách vẻ vang!” Không hiểu con muốn nói gì, ông hỏi lại: ‘‘Con nói gì thế?” Hoàng thưa: ‘‘Đó là Đạo Công Giáo!”

Nghe con trả lời, thân phụ tức giận vơ lấy cái tráp ném thẳng vào người anh. Anh Hoàng rút lui vào phòng mình và từ đó không ra khỏi phòng. Anh dành hết thời giờ để nghiên cứu giáo lý Đạo Công Giáo.

Một ngày, ông thân sinh cho gọi con trai đến và nói: ‘‘Gia đình ta nề nếp và khá giả. Con không thể tiếp tục hành động như vậy. Từ nay con không được học hỏi về Đạo Công Giáo nữa”. Anh Hoàng lễ phép nói: ‘‘Thưa Cha, nếu phải chết, con xin chịu chết, nhưng con không thể không học giáo lý Công Giáo!”

Trước thái độ cương quyết của quí tử duy nhất, thân phụ tức giận truyền cho đầy tớ đem máy cắt lúa ra. Ông nói với con: ‘‘Bởi vì mày nhất định học cái giáo lý đó, dầu có phải chết, vậy hãy đặt cổ mày dưới lưỡi dao này”. Anh Hoàng hỏi: ‘‘Sao Cha lại truyền cho con phải làm điều này?” Người Cha đáp: ‘‘Bởi vì mày muốn thờ lạy Chúa Trời Đất, dầu có phải chết, do đó tao muốn giết mày”. Anh Hoàng hỏi lại: ‘‘Có thật sự Cha muốn giết con vì con thờ lạy Chúa Tể Trời Đất không?” Người Cha gật đầu đáp phải. Anh Hoàng thưa: ‘‘Nếu vậy con xin đặt cổ dưới lưỡi dao này” ..

Nhưng các đầy tớ không dám rút chân khỏi bàn đạp để lưỡi dao rơi xuống. Trong khi đó thân sinh quay lưng đi ôm mặt khóc ..

Hai năm trôi qua kể từ biến cố đó. Anh Hoàng tuyệt đối giữ thinh lặng. Cho đến một hôm vào dịp Tết Nguyên Đán, anh Hoàng bỗng bước vào phòng Cha và nói: ‘‘Thưa Cha”. Người Cha cảm động hỏi lại: ‘‘Con nói được sao?” Anh Hoàng thưa: ‘‘Con đâu có bị câm, nhưng con không nói vì Cha nghiêm cấm con làm điều con muốn làm”. Người Cha nói: “Giáo lý đạo Công Giáo như thế nào? Con mang cho Cha những cuốn sách nói về Đạo để Cha đọc”.

Sau khi đọc kỹ các sách nói về Đạo Công Giáo, người Cha vừa ngạc nhiên vừa thán phục. Ông nói với con: ‘‘Con hãy mời một học giả Công Giáo đến đây. Nếu chúng ta muốn học hỏi giáo lý Công Giáo thì phải làm cách công khai chứ không nên lén lút”.

Người Cha xin theo Đạo Công Giáo cùng với cả gia đình. Lúc đó vào khoảng sau cuộc bách hại dữ dội năm 1839. Năm 1846, khi Đức Cha Ferréol được chỉ định đến truyền giáo tại Triều Tiên, ngài nghĩ đến chuyện truyền chức linh mục cho anh Hoàng. Sở dĩ Đức Cha nghĩ vậy là vì nhu cầu của Giáo Hội Công Giáo Đại Hàn. Thêm vào đó vợ anh chấp thuận sống ly thân và bằng lòng giữ trinh khiết. Nhưng Tòa Thánh cho rằng chưa đến lúc phải ban phép chuẩn này.

Về phần mình, anh Hoàng đem hết sức lực khả năng ra để phục vụ Giáo Hội tại Triều Tiên. Anh không quản ngại công lao khó nhọc. 20 năm sau, 1866, khi cuộc bách hại thảm khốc xảy ra, anh Hoàng bị bắt cùng với Đức Cha Daveluy, Cha Aumaire và Cha Huin. Cả ba vị đều thuộc Hội Thừa Sai Paris. Anh Hoàng bị chém đầu vào ngày 30-3-1866, nhằm Thứ Sáu Tuần Thánh.

(Paul Destombes, MEP, ‘‘Au pays du matin calme”, Paris 1968, trang 180-186).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN