NIỀM HY VỌNG CỦA KITÔ-GIÁO


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

... Ông Alain Raoult là tín hữu Công Giáo Pháp, lập gia đình và có 3 đứa con. Ông từng là trưởng phòng y tá tại nhà thương ‘‘Đức Mẹ Lộ Đức” thuộc giáo phận Saint Brieuc và Tréguier. Ngoài ra, ông còn là chủ tịch ‘‘Hiệp Hội chống tự tử” nơi vùng Bretagne, Đông Nam nước Pháp. Với kinh nghiệm của một y tá Công Giáo, hàng ngày chạm trán với đau khổ và bệnh tật, ông nói về niềm hy vọng của Kitô-Giáo như sau:

Cách đây 20 năm, tôi bắt đầu hành nghề nơi nhà thương với nhiệm vụ y tá phụ, rồi y tá, giám thị và sau cùng trở thành giảng viên cho Học Viện huấn luyện các y tá. Trong vòng 9 năm trời, tôi giữ nhiệm vụ y tá trực đêm nơi phòng hồi sinh. Tôi có nhiều dịp đối diện với nỗi khổ con người trong hoàn cảnh đau thương nhất. Là tín hữu Công Giáo, tôi luôn cầu xin Chúa giúp tôi thực thi lời Đức Chúa GIÊSU phán: ‘‘Điều gì các con làm cho những kẻ bé mọn nhất trong các anh em Thầy, là các con làm cho Thầy”.

Thời gian làm việc nơi phòng cấp cứu và khu vực hồi sinh, tôi gặp không biết bao nhiêu bệnh nhân mất hết can đảm và rơi vào hố thẳm tuyệt vọng. Trước nỗi thất vọng quá lớn lao, đôi khi tôi không biết phải nói lời nào để gieo niềm hy vọng. Lúc đó, tôi giữ thinh lặng và dùng chính sự hiện diện để an ủi cùng khích lệ bệnh nhân. Và kinh nghiệm này giúp tôi hiểu rõ tầm quan trọng sự hiện diện của một người đối với người khác, đặc biệt trong giờ phút khó khăn và thử thách. Cần phải trao ban tình thương để giúp một người tìm lại lòng tự tin và tín thác.. Tôi nhớ ngày còn bé, tôi rất đau khổ vì bị các bạn ruồng bỏ, không cho nhập cuộc chơi. Sau những năm đầy nước mắt trẻ thơ này, tôi hiểu rằng: hy vọng đồng nghĩa với chiến đấu. Nhưng chiến đấu một mình, thật khó biết bao! May mắn thay, tình thương của Cha Mẹ đã giúp tôi thắng vượt thử thách và giữ vững Đức Tin nơi THIÊN CHÚA..

Với kinh nghiệm cá nhân và nghề nghiệp tôi quyết định viết cuốn sách ‘‘Cấm tuyệt vọng”. Tôi muốn nói với mọi người rằng:‘‘Trong mỗi người luôn luôn dấu ẩn một tia sáng hy vọng - dù rất nhỏ nhoi - ngay cả những lúc xem ra không còn gì để hy vọng!”
Nói về HY VỌNG trong một thế giới tràn đầy thiên tai, hoạn nạn, bạo lực, chết chóc, xem ra có vẽ điên cuồng. Nhưng sự thật không phải như vậy. Nếu mọi sự trôi chảy, tốt đẹp, thì việc giữ vững niềm hy vọng là chuyện quá dễ! Trái lại, khi tất cả sụp đổ, tan nát, mà vẫn giữ vững niềm hy vọng, mới là điều đáng nói. HY VỌNG như thế nằm trên một bình diện siêu nhiên và mang một ý nghĩa sâu xa. Đó là niềm hy vọng đích thực của Kitô-Giáo..

Trong một chuyến tháp tùng các bệnh nhân đi hành hương Lộ Đức, tôi cảm thấy vô cùng mến phục Đức Tin của các bạn trẻ Công Giáo. Họ không ngần ngại nói lớn tiếng và bày tỏ Đức Tin ra bên ngoài. Tôi không bao giờ quên nụ cười rạng rỡ của một người trẻ tàn tật ngồi trên chiếc xe lăn. Thay vì than thân trách phận, người trẻ đó mĩm cười. Nụ cười biểu lộ niềm hạnh phúc dấu ẩn bên trong. Nhưng nhất là, nụ cười diễn tả niềm Hy Vọng vượt lên trên mọi niềm hy vọng..

Cũng trong một chuyến tháp tùng các bệnh nhân đi hành hương Lộ Đức, một bạn đồng nghiệp nhờ tôi đi báo cho các bệnh nhân biết họ sẽ có mặt nơi Hang Đá Lộ Đức vào buổi chiều hôm đó. Khi vào một phòng kia, tôi trông thấy một người bệnh đang ngồi yên trên giường, đợi người đến đưa ra Hang Đá Đức Mẹ. Người bệnh nhìn tôi và vui mừng nhận ra tôi: ‘‘Anh có phải là y tá trực tại phòng hồi sinh ở nhà thương Saint Brieuc, cách đây 3 năm không?” Thấy tôi không nhớ ra, người bệnh nói tiếp:
- Đúng là anh. Vì tôi nhớ rõ anh luôn mang ảnh Thánh Giá nhỏ nơi cổ!

Câu nói làm tôi nhớ lại thời gian phục vụ tại nhà thương Saint Brieuc. Đúng như lời người bệnh nói. Tôi luôn mang ảnh Thánh Giá nơi cổ. Nghề nghiệp không cho phép tôi nói về tôn giáo với các bệnh nhân, trừ khi chính các bệnh nhân yêu cầu. Nhưng tôi luôn mang trên cổ ảnh Thánh Giá, như một dấu chỉ Đức Tin và niềm hy vọng vào Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ con người..

Người bệnh vui vẻ nói tiếp với tôi:
- Chính nhờ anh mà sau khi ra khỏi nhà thương, tôi cũng tìm cho được một ảnh Thánh Giá nhỏ và từ đó, tôi luôn mang ảnh Thánh Giá trên cổ, giống như anh vậy!

Câu nói chân thật gieo vào lòng tôi một niềm vui và một niềm hy vọng lớn lao: Niềm hy vọng nơi Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Thế, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

... Hơn 30 năm nay, trong Giáo Hội Công Giáo, xuất hiện một Hội Dòng thật đặc biệt. Đó là dòng ‘‘Đức Bà Hy Vọng”, dành riêng cho những người có sức khoẻ yếu kém và những ai bị tàn tật. Dòng do một đan sĩ Biển Đức người Pháp thành lập. Hiện tại dòng có tất cả 15 đan viện. 12 tại Pháp, 1 tại Bỉ và 2 tại Tây Ban Nha. Đan viện mẹ của dòng nằm tại Croixrault, vùng Somme, miền Bắc nước Pháp.

Dòng ‘‘Đức Bà Hy Vọng” sống theo quy luật thánh Biển Đức (480-547), tức là một dòng chiêm niệm. Các đan sĩ ‘‘Đức Bà Hy Vọng” không có các hoạt động tông đồ bên ngoài, nhưng phân chia chương trình sống thành hai phần xen kẽ nhau: Ora et Labora: Cầu Nguyện và Lao Động. Ngoài ra, dòng ”Đức Bà Hy Vọng” còn sống theo linh đạo của Cha Charles de Foucauld (1858-1916). Đó là lòng yêu mến sự khó nghèo và tâm tình hiếu khách. Các đan sĩ sống đơn giản, phù hợp với tình trạng sức khoẻ kém hoặc tàn tật của các vị.

Có người tự hỏi: Làm sao người tàn tật có thể sống theo một quy luật nhiệm nhặt của các đan sĩ chiêm niệm được? Chính các đan sĩ tàn tật trả lời: Hơn ai hết, các anh chị em tàn tật là những người có đủ khả năng để sống ơn gọi đan tu. Bởi vì, chúng tôi dâng hiến cho THIÊN CHÚA cuộc sống cầu nguyện, thinh lặng và khổ đau, để ca tụng THIÊN CHÚA và để cầu cho Nước Chúa trị đến trong một thế giới có quá nhiều bạo lực, chết chóc, nghèo đói và khốn khổ..

Những người xin gia nhập dòng ‘‘Đức Bà Hy Vọng”, không một sớm một chiều trở thành đan sĩ. Nhưng giống như mọi dòng tu khác, các ứng sinh phải qua nhiều giai đoạn khác nhau như: dự sinh, thỉnh sinh, tập sinh và khấn sinh. Sau khi khấn tạm lần đầu, các đan sinh còn khấn tạm trong vòng 5 năm, trước khi tuyên khấn vĩnh viễn. Thời gian 6 năm khấn tạm được chia làm 2. Ba năm đầu khấn từng năm một và sau đó lập lại lời khấn tạm cho 3 năm.. Nếu vì lý do sức khoẻ quá yếu kém, một đan sĩ thay vì tuyên khấn ba lời khấn dòng, đan sĩ đó có thể chỉ tuyên hứa như một trợ sĩ.

Các đan sĩ đọc kinh Thần Vụ giống các đan sĩ chiêm niệm. Thánh lễ được cử hành vào ban trưa. Như thế, Thánh Lễ trở thành trung tâm và chóp đỉnh của mọi sinh hoạt siêu nhiên và tự nhiên, trong một ngày sống. Kinh ‘‘Giờ Trưa” được lồng trong khung cảnh Thánh Lễ.

Vì số tập sinh của dòng ‘‘Đức Bà Hy Vọng” ở Pháp khá đông, nên năm 1991, dòng quyết định mở một nhà tập riêng ở Martigny, thuộc vùng Normandie, miền Bắc nước Pháp. Đây là tập viện mang tên thánh nữ Clara. Ngoài còn có đan viện mang tên thánh nữ Têrêxa. Đan viện mang tên thánh nữ Bernadette nằm cạnh Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Đức. Đan viện thánh nữ Bernadette có mục đích đón tiếp các tín hữu đến hành hương Lộ Đức và muốn dừng lại một thời gian ngắn để bồi dưỡng thể xác lẫn tinh thần.

Vì các đan sĩ có sức khoẻ kém, nên đôi lúc các đan viện của dòng "Đức Bà Hy Vọng” gặp khó khăn trong vấn đề sinh sống. Chẳng hạn, các đan sĩ cộng đoàn thánh Clara sống về nghề làm ‘‘ kẹo trái cây”, nhưng công cuộc trang bị cho xưởng làm kẹo lại quá lâu. Dầu vậy, các đan sĩ không đánh mất niềm hy vọng và tin tưởng nơi sự quan phòng của THIÊN CHÚA.

Hội dòng ‘‘Đức Bà Hy Vọng” thật đáp ứng với nguyện vọng sống đời chiêm niệm của những người không được may mắn có sức khoẻ dồi dào. Nhờ hội dòng, một số đông anh em tàn tật có thể tận hiến cho Chúa trong cuộc sống thinh lặng, cầu nguyện, lao động và hiệp thông huynh đệ với các anh em tu sĩ khác trong toàn Giáo Hội Công Giáo. (”Lourdes Magazine”, n.60, Marzo+Aprile/1997).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN