NHÂN VIÊN CỨU HỎA THÀNH PHỐ NEW YORK


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tại New York, Hoa Kỳ, đã làm cho hơn 200 nhân viên cứu hỏa bị thiệt mạng. Đa số là người gốc Ái-nhĩ-lan hay gốc Ba-Lan và là các tín hữu Kitô rất sùng đạo, trung thành với các truyền thống Công Giáo tới xương tủy.

Cũng tại thành phố New York, hàng năm có hơn phân nửa số nhân viên cứu hỏa bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ. Ngoài ra trung bình mỗi năm có đến 8 nhân viên tử nạn ..

Người ta tự hỏi lý do nào đã thúc đẩy nhiều người chọn nghề cứu hỏa, khi mà tính mệnh của họ luôn bị đe dọa, lâm nguy? Sau đây là chứng từ của ông Dennis Smith, nhân viên cứu hỏa với 18 tuổi hành nghề.

Tôi ghi danh vào đội binh cứu hỏa của thành phố năm tôi 21 tuổi. Gia đình tôi rất nghèo. Chúng tôi sống trong khu xóm bình dân. Khi ghi danh, tôi không ý thức rõ tất cả trách nhiệm cũng như hiểm nguy của nghề nghiệp, nhưng chỉ có lờ mờ trong đầu ý tưởng: rồi đây mình sẽ trở thành nhân viên công lực của thành phố. Và một khi có được nghề nghiệp, cuộc sống và tương lai sẽ được bảo đảm.. Thứ đến, nơi trường tôi theo học, các nữ tu không bao giờ khuyến khích chúng tôi chọn nghề bác sĩ hay luật sư. Đối với các nữ tu, chúng tôi là những đứa trẻ được mời gọi: hoặc trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ - bởi vì Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép mọi công dân được trở thành Tổng Thống của Hiệp-Chủng-Quốc! - hoặc trở thành lính cứu hỏa hay nhân viên cảnh sát! .. Thế là tôi ghi danh vào sở cứu hỏa thành phố.

Cuộc thi tuyển thật khó khăn. Chúng tôi phải trải qua nhiều cuộc khảo hạch, đặc biệt liên quan đến đời sống luân lý, đến sức chịu đựng của tinh thần và của thể xác. Rồi đến những tuần lễ dài vừa học lý thuyết vừa thực tập các buổi chữa lửa. Tuổi thanh niên thật hăng say, giàu thiện chí và cả trí tưởng tượng nữa.. Khi lặn ngụp trong các làn khói, các vòm lửa và các vòi nước, tôi mơ màng hình ảnh mình là vị anh hùng, lăn xả vào các đám cháy, cứu thoát một em bé, trèo qua cửa sổ, rồi xuất hiện trước tiếng vỗ tay hoan hô vang dội của đám đông!..

Sau cùng, tôi được chính thức chấp nhận làm nhân viên cứu hỏa của thành phố New York, và hành nghề trong một khu phố nghèo với đủ thứ tệ trạng: xì-ke ma-túy, cướp bóc buôn lậu và những vụ hỏa hoạn giết người..

Càng đi vào thực tế nghề nghiệp, càng chạm trán với những hoạn nạn và những đau khổ của con người, tâm tính tôi càng chín mùi và lòng yêu chuộng nghề nghiệp của tôi cũng được thanh luyện. Giờ đây tôi chiến đấu cứu thoát người gặp hiểm nguy thật, nhưng không phải với lòng hãnh diện căng phồng, mà là với một chủ đích hoàn toàn dấn thân phục vụ.

Một ngày, hiền thê tôi - giống như mọi bà vợ của nhân viên cứu hỏa khác - tỏ dấu lo âu cho tính mệnh của tôi. Cứ mỗi lần tôi ra đi thi hành công tác là mỗi lần nàng thấp thỏm mong chờ tôi trở về bằng an. Tuy nhiên, để trấn an vợ, tôi không biết giải thích ra sao với nàng về lý tưởng nghề nghiệp của tôi. Cho đến một ngày, chính nàng thổ lộ: “Phải có người làm nghề như anh đang làm. Em bắt đầu chấp nhận thực tế, dầu vẫn tiếp tục lo âu. Chẳng hạn đêm nay, em không thể nào chợp mắt được. Em trằn trọc với ý nghĩ: 'mình nằm đây an toàn, trong khi chồng mình phải vật lộn với cơn lửa tàn ác'.. Nhưng đàng khác, em cũng cảm thấy thật hãnh diện về anh, giống như ba đứa con của chúng ta. Chúng hãnh diện biết rằng, Ba chúng có mặt trên chiếc xe cứu hỏa, chạy hết tốc lực với còi hụ réo vang. Còn em, em biết rằng, anh làm một nghề mà anh nghĩ là phải làm, để phục vụ cho công ích. Ý tưởng này giúp em can đảm”.

Nghe vợ nói thế, tôi cảm thấy lòng tràn đầy an ủi. Còn gì hạnh phúc hơn là sự tâm đầu ý hợp của đôi vợ chồng! Có được sự cảm thông của vợ, tôi còn hưởng nếm được tình huynh đệ chân thành giữa các bạn cùng nghề. Sát cánh bên nhau trong gian nguy, trong chiến đấu, chúng tôi thực tình yêu thương đùm bọc nhau. Chúng tôi lo lắng cho tính mệnh của nhau và chăm sóc nhau, nếu chẳng may có người bị thương trong khi thi hành nghề nghiệp.

Giờ đây, kiểm điểm lại chặng đường 18 năm hành nghề, tôi gặt được một thành quả to lớn: đó là tôi trở nên một người nhân hậu, cảm thông hơn, khi hàng ngày đụng chạm với khổ đau của con người, khổ đau mà đôi khi chúng tôi hoàn toàn bất lực, đau đớn lặng nhìn những tang thương, xé nát ruột gan.. Và tôi đã không bao giờ hối tiếc vì đã chọn hành nghề cứu hỏa, cũng như tự hứa sẽ tiếp tục tận tâm hành nghề này..

(“Sélection du Reader's Digest”, Février 1974, trang 145-178).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN