LÒNG TRI ÂN ĐỐI VỚI MÓN QUÀ SỰ SỐNG


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

... Câu chuyện do bà Douglas Whynott, phụ nữ Kitô người Mỹ kể lại. Một buổi chiều tháng 12 năm 1991, thân phụ tôi điện thoại báo tin: ‘‘Mẹ các con cần thay tim”. Giọng Ba tôi lạc quan tin tưởng, như thể vấn đề ghép tim cũng bình thường như ghép bất cứ cơ phận nào khác. Nhưng phản ứng của những đứa con gái của Ba Mẹ thì khác. Mặc dầu biết rõ mẹ thường yếu tim, mệt tim, nhưng khi nghe mẹ phải thay một quả tim khác, tự nhiên chúng tôi cảm thấy bồn chồn lo lắng. Ngay ngày hôm sau, cả ba chị em chúng tôi đều có mặt tại Tổng Bệnh Viện của thành phố Boston, thủ phủ bang Massachusetts, để gặp vị bác sĩ chuyên chữa trị cho mẹ chúng tôi.

Đó là bác sĩ Marc Semigran, một chuyên viên ghép tim. Sau khi duyệt qua hồ sơ bệnh tim của mẹ, ông nói với mẹ tôi:
- Khi dùng thuốc để chữa trị, bà có 60% cơ may sống thêm 6 tháng. Nhưng nếu thay tim khác, bà sẽ may mắn sống lâu hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp của bà, việc ghép tim gặp nhiều nguy hiểm, vì bà đã cao tuổi.

Mẹ tôi mĩm cười nói ngay: ‘‘Tháng Giêng năm tới tôi chẵn 60 đó bác sĩ ạ!”

Bác sĩ Semigran nói tiếp: ‘‘Những người trên 60 tuổi thường gặp nhiều khó khăn khi được ghép tim. Tim là cơ phận vừa tế nhị vừa quan trọng. Để việc ghép tim thành công, các cơ phận khác của người bệnh phải thật khoẻ mạnh. Cứ sự thường, cơ thể không dễ dàng chấp nhận quả tim mới, vì đó là quả tim gây xáo trộn trong giai đoạn đầu cho những cơ phận khác”.

Từ buổi gặp gỡ với vị bác sĩ chuyên viên ghép tim, tất cả gia đình chúng tôi cùng nhau thương yêu đoàn kết và sẵn sàng đối đầu với bất cứ rủi may nào trong cuộc đời mẹ tôi và gia đình chúng tôi.

Một thời gian sau, chúng tôi nhận tin từ nhà thương cho biết mẹ tôi được chấp nhận ghi tên vào danh sách những người được ghép tim. Vị bác sĩ nói với thân phụ tôi:

- Sỡ dĩ các bác sĩ quyết định cho bà được ghép tim, mặc dầu tuổi đã cao, vì sự hỗ trợ tinh thần rất lớn của toàn gia đình ông.

Và ngày mong chờ đã đến. Lúc 8 giờ tối thứ hai trong tháng 5 năm 1992, nhà thương báo tin có một quả tim sẵn sàng để ghép, nên mẹ tôi phải tới ngay để chuẩn bị cuộc ghép tim..

Trước khi lên đường, thân phụ điện thoại báo cho chúng tôi biết. Tất cả chuẩn bị đến ngay nhà thương.

Những cuộc ghép tim thường diễn ra ban đêm, vì các phòng mổ rãnh rang. Cuộc mổ bắt đầu lúc 2 giờ 30 phút và kết thúc lúc 5 giờ 30 phút sáng. 2 giờ sau, Ba tôi cho 2 chị em chúng tôi biết cuộc mổ kết thúc tốt đẹp. Bác sĩ nói đó là quả tim còn khỏe của một thanh niên 21 tuổi. Nói xong, Ba tôi thêm:

- Nhưng Ba sẽ không nói gì với mẹ các con, vì bà không muốn biết tên của vị ân nhân đã cho bà món quà sự sống ấy!

Một hôm tình cờ đọc báo, tôi biết đó là quả tim của một sinh viên, bị trúng đạn trong một cuộc chạm súng. Chàng bị hôn mê và bác sĩ tuyên bố đã chết. Cha mẹ chàng quyết định cho các cơ phận của chàng cho những ai cần đến. Và quả tim của chàng được trao cho mẹ tôi.

Một tuần sau cuộc mổ, mẹ tôi có thể ngồi dậy và bắt đầu đi lại đôi chút trong phòng. Chỉ có điều lạ là mẹ tôi cương quyết không muốn nghe tên của vị ân nhân. Khi cô y tá bắt đầu đề cập đến, thì mẹ tôi cắt ngang và chuyển sang đề tài khác. Cô y tá bảo tôi tìm cách giải thích cho mẹ tôi.

Tôi viết cho mẹ một bức thư. Tôi thưa với mẹ: ‘‘Cuộc ghép tim của mẹ quả là phép lạ, một hồng ân THIÊN CHÚA. Mẹ nên dùng quả tim mới này để tỏ tình tri ân các bác sĩ và những người đã quyết định cho mẹ quả tim này, không phải cho riêng mẹ nhưng cho bất cứ ai cần đến”.

Lá thư của tôi làm mẹ tôi suy nghĩ nhiều. Bà bắt đầu đi nhà thờ trở lại và dần dần bà cảm nghiệm rằng, quả tim mới của bà thật sự là món quà sự sống đến từ THIÊN CHÚA. Từ ý thức sâu xa đó, mẹ tôi cảm thấy có bổn phận bày tỏ lòng ghi ơn đối với tất cả những ai góp phần vào cuộc ghép tim và nhất là, đối với song thân của vị ân nhân quá cố. Họ quảng đại trao ban các cơ phận của con, làm món quà cứu sống những người đồng loại khác, mà không cần biết danh tánh, cũng không đòi hỏi một cử chỉ ghi ơn, trả ơn nào.

Phần tôi, khi viết lên những dòng này, tôi muốn bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với các vị ân nhân ẩn danh, đã trao ban cho mẹ chúng tôi một món quà vô giá: món quà sự sống.

(”Reader's Digest”, August/1993, trang 141-144).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN