SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM VÀ THÁNH THỂ CHÚA GIÊSU

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Chiều 30-5-1862, ngày áp chót tháng Hoa kính Đức Mẹ, sau Kinh Tối, thánh Gioan Bosco (1815-1888) nói với các linh mục của ngài như sau:

Tôi muốn kể anh em nghe giấc mơ tôi thấy cách đây vài hôm. Anh em cứ tưởng tượng chúng ta đứng trên mỏm đá nằm trơ trọi giữa biển cả bao la. Anh em không trông thấy đất liền, ngoài mảnh đất nhỏ bé nằm dưới chân. Trên biển cả mênh mông, anh em trông thấy vô số tàu chiến. Mũi tầu giống như chiếc mỏ bằng sắt, bén như lưỡi dao, có thể đâm thủng và cắt đứt những vật nó chạm tới. Tàu trang bị đủ mọi thứ khí giới và các chất nổ gây hỏa hoạn. Tất cả các tàu chiến cùng tiến đánh một chiếc tàu trông thật quan trọng và vĩ đại hơn mọi chiếc tàu trong trận chiến. Chúng hùng hổ xông vào chiếc tàu lớn, đánh phá tứ tung, cố gắng gây thương tổn và hủy hoại càng nhiều càng tốt. Trong khi đó chiếc tàu lớn được một số thuyền và ghe buồm hộ tống. Các ghe thuyền nhận lệnh từ chiếc tàu lớn và thi hành chỉ thị, làm sao để có thể ứng phó với vô số tàu địch đang tấn công tứ phía. Thêm vào đó, gió thổi thật mạnh, khiến biển cả giao động kinh hoàng, gần như gây thuận lợi cho đối phương.

Bỗng nhiên từ giữa trận chiến nơi biển cả mênh mông, xuất hiện hai chiếc cột cao lớn, đặt gần nhau. Trên một chiếc cột có tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Dưới chân bức tượng là tấm bảng mang hàng chữ: “Phù Hộ các Giáo Hữu” Trên chiếc cột thứ hai, cao hơn và vĩ đại hơn, có Mặt Nhật Mình Thánh Chúa. Dưới chân Mặt Nhật cũng có tấm bảng mang hàng chữ: “Cứu Độ các Tín Hữu” .

Vị thuyền trưởng tối cao trên chiếc tàu lớn chính là Đức Giáo Hoàng, thủ lãnh Giáo Hội Công Giáo Roma. Đứng trên tàu, Đức Thánh Cha chứng kiến cái hung hãn của địch thù cũng như hiểm nguy của các tín hữu. Trận chiến mỗi lúc càng trở nên khốc liệt. Đức Thánh Cha cố gắng lèo lái chiếc thuyền tiến lên đứng giữa hai chiếc cột lớn. Thấy thế, các chiếc tàu địch khác lại dồn toàn lực để tấn công và ngăn cản không cho chiếc tàu lớn của Đức Thánh Cha di chuyển. Tuy nhiên, dù dùng đủ mọi mánh lới cộng với đủ mọi thứ khí giới, các chiếc tàu địch vẫn không phá hủy và ngăn cản được chiếc tàu lớn. Trái lại, chiếc tàu lớn từ từ tiến lên một cách vững chắc và an toàn, hướng về hai chiếc cột trên đó có tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm và Mặt Nhật Mình Thánh Chúa GIÊSU. Dĩ nhiên chiếc tàu lớn cũng bị bắn phá, nhưng không có thiệt hại nào đáng kể. Trong khi các tàu địch bị hư hại nặng nề. Có nhiều tàu bị vỡ tung và chìm sâu dưới lòng đại dương. Các địch thù đùng đùng nổi giận. Họ dùng gươm giáo đâm thủng loạn xạ, kèm theo những lời lộng ngôn và chửi rủa thậm tệ.

Đang hồi chiến đấu dữ dội Đức Giáo Hoàng bị thương, ngã quỵ xuống. Những người chiến đấu với ngài vội chạy đến, đỡ ngài lên. Nhưng ngài lại ngã xuống và tắt thở. Tức khắc một vị giáo hoàng khác được bầu lên thay thế, lèo lái chiếc tàu. Cuộc bầu cử nhanh chóng đến độ hung tín Đức Giáo Hoàng qua đời được loan đi cùng lúc với tên vị tân Giáo Hoàng kế vị. Điều này làm cho các địch thủ chán nản và mất hết nhiệt khí để chiến đấu.

Vị tân Giáo hoàng dẹp bỏ và vượt qua được hết mọi cản trở. Ngài lái chiếc tàu tiến thẳng đến hai cột trụ và len vào giữa. Ngài dùng dây xích ở đầu tàu cột vào chân trụ có Mặt Nhật Mình Thánh Chúa GIÊSU. Sau đó ngài lấy dây xích thứ hai ở đuôi tàu và cột vào trụ có bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Thế là diễn ra cảnh tượng vô cùng hỗn độn. Tất cả các chiếc tàu địch tìm đường chạy trốn. Trong cảnh hỗn độn ấy, chính các tàu địch lại đụng vào nhau, phá hoại nhau, khiến cho các tàu địch bị bể và chìm sâu xuống biển.

Kể đến đây, thánh Gioan Bosco ngừng lại nhìn cha Michele Rua (1837-1910) và hỏi: “Cha nghĩ thế nào về giấc mơ tôi vừa kể?”. Cha Michele Rua đáp: “Theo thiển ý con, Hai chiếc cột cứu thoát chính là hình ảnh của lòng sùng kính Đức MARIA Vô Nhiễm và Thánh Thể Chúa GIÊSU KITÔ” . Thánh Gioan Bosco đáp: “Đúng. Cha trả lời thật đúng. Các tàu chiến địch thù tức là các cuộc bách hại. Sẽ có những thử thách lớn lao cho Giáo Hội Công Giáo. Nhưng có phương thế duy nhất để cứu Giáo Hội khỏi mọi hiểm nguy. Đó là việc sùng kính Đức MARIA Vô Nhiễm và siêng năng xưng tội cùng rước Mình Thánh Chúa” .

(“LE CHRIST AU MONDE”, 10/1991, trang 330-331).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN