ĐỨC TIN VỮNG MẠNH CỦA NỮ TU NGƯỜI LITUANIE


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Ngày 20-6-1975, nữ tu Nijole Sadunaite bị đưa ra tòa vì cái tội gọi là “tuyên truyền chống Liên-Xô”. Thật ra, Chị là người đánh máy, quay Ronéo và phổ biến tập “Ký sự Giáo Hội Công Giáo Lituanie”, để tố giác chính sách đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Liên-xô tại Lituanie.

Sau phiên tòa bất công, nữ tu Nijole bị kết án lưu đày sang Sibérie. Chị Nijole bình tĩnh ngỏ lời với toàn cử tọa, đặc biệt với các quan tòa như sau:

Không phải tôi có tội, nhưng các ông mới là kẻ vi phạm nhân quyền, được bảo đảm do chính luật lệ và hiến pháp của quý ông, và do các minh ước quốc tế quy định. Bởi vì các ông xem tôi như tội nhân vô cùng nguy hiểm, nên tôi không muốn biến những người tìm luật sư bênh vực tôi, thành mồi ngon cho các ông báo thù. Tôi từ chối việc luật sư biện hộ cho tôi. Sự thật không cần có người bênh vực. Sớm hay muộn sự thật sẽ được sáng tỏ, và người ta bắt buộc phải chấp nhận sự thật. Chỉ gian dối mới cần nhà tù cần khí giới và cảnh binh để kéo dài một quyền bính thật ngắn hạn. Không hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc được chịu đau khổ vì SỰ THẬT. Tôi không cần người bênh vực. Chính tôi tự bênh vực cho mình.

Sử liệu Giáo Hội Công Giáo Lituanie ghi đầy những chứng tích mà các ông không thể chối cãi. Nó bắt buộc các ông phải nhận ra hình ảnh các ông trong tấm gương sử liệu này. Dù các ông đập vỡ nó, nó vẫn tiếp tục phản chiếu những hành động gian ác của các ông. Các ông hùng hổ muốn tước đoạt điều quý giá nhất: Đức Tin của chúng tôi .. Các ông dám khinh thường cả đến tâm tình tôn giáo thánh thiêng nhất, sâu thẳm nhất và khó khăn nhất của cuộc sống: giờ chết của con người.

Chúng tôi, tín hữu Công Giáo, không có nhiều cơ may, nhiều trợ giúp đến từ phía loài người. Nhưng chúng tôi lại được trợ giúp vững mạnh, quyền uy, đến từ Thiên Chúa. Chúng tôi không sợ tù đày, ngục hình. Bổn phận của chúng tôi là tranh đấu bảo vệ nhân quyền. Các ông có thể ra nhiều chiếu chỉ, lệnh cấm, tùy ý các ông. Phần chúng tôi, chúng tôi có Thiên Chúa bênh vực. Chính Ngài giải thoát chúng tôi khỏi mọi sợ hãi.

Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời tôi, bởi vì tranh đấu cho các quyền con người là bản tình ca đẹp nhất. Phần tôi, chẳng những tranh đấu mà còn bị kết án vì đã tranh đấu nữa. Tôi hân hoan bước vào nhà tù, chấp nhận bản án lưu đày. Tôi sẵn sàng chết để nhiều người khác được sống.. Hôm qua, các ông ngạc nhiên khi thấy tôi hoàn toàn điềm tĩnh. Điều này chứng tỏ lòng tôi tràn ngập tình yêu. Đúng thế. Chúng tôi phải mạnh mẽ chống lại tội ác, sự dữ, nhưng chúng tôi phải yêu thương những người đang ở trong bóng tối và bị lầm lạc. Đó là điều con người chỉ có thể học được nơi trường dạy của Chúa GIÊSU KITÔ mà thôi!.

.. Một vài năm sau cái ngày lịch sử trên đây, từ nơi Sibérie giá buốt xa xăm, chị Nijole viết cho gia đình và bạn bè những tin tức về cuộc sống lưu đày. Cuộc sống khốn cực không làm giảm đi nhiệt tâm hăng say bảo vệ Đức Tin, bảo vệ sự thật của người phụ nữ Công Giáo Lituanie. Chị viết: “Ai yêu thương và luôn làm điều thiện giúp ích anh chị em, không bao giờ tự hỏi mình hạnh phúc hay không. Bởi vì, kẻ nào yêu thì tin vào niềm vui, tin vào hạnh phúc, bằng con tim được Chúa yêu thương. Tôi rất tiếc không nhận được thư từ của gia đình, vì tất cả đều bị tịch thu. Bù lại, tôi nhận được hàng trăm lá thư, điện văn đến từ khắp nơi. Tôi thật lòng ghi ơn tấm thịnh tình của những người tôi không hân hạnh quen biết, nhưng liên kết trong cùng Đức Tin. Một nữ bác sĩ, làm việc tại trại lao động từ 23 năm qua, kinh ngạc về số lượng thư và điện văn tôi nhận được. Bà chưa từng thấy tù nhân nào nhận nhiều thư như tôi. Nhưng vì các tù nhân thật tình thương nhau nên niềm vui của tôi cũng là niềm vui chung của mọi người trong trại!

Ngày 8-7-1980, nữ tu Nijole Sadunaite được phóng thích và trở về Lituanie, sau 6 năm lưu đày. Ngày Chị ra khỏi trại lao động Sibérie, khuôn mặt Chị cũng tươi vui rạng rỡ y như ngày Chị bước chân vào trại giam, vì Đức Tin nơi Chúa GIÊSU KITÔ và Giáo Hội Ngài.

(“MISSI”, 2/1982, trang 43).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN