ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


Một phụ nữ tuổi thất tuần với mái tóc bạc trắng, khuôn mặt phúc hậu nhưng nghiêm nghị. Tuy nhiên, khi bà mĩm cười thì khuôn mặt đổi hẳn. Bà trở nên ngây thơ tinh nghịch và đôi mắt long lanh chiếu sáng. Đó là hình ảnh bà Georgette Blaquière, phụ nữ Công Giáo người Pháp, thuộc phong trào Canh Tân trong Thánh Linh.

Bà Blaquière từng viết nhiều tác phẩm thiêng liêng, trình bày về Chúa GIÊSU, Mẹ MARIA và chức vụ cao cả của các linh mục. Vì bà có lòng đạo đức sâu xa đính kèm kiến thức sâu rộng, nên đức giám mục địa phương đã chọn bà làm người rao giảng và truyền bá Tin Mừng nơi các nhóm thuộc phong trào Canh Tân trong Thánh Linh, nơi các nữ tu cũng như nơi các phong trào giáo dân khác.

Cuộc đời bà Blaquière là những chuỗi ngày đắm chìm trong sự kết hợp với Chúa. Đối với bà, cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống, là những buổi nói chuyện thân tình với Chúa, đơn sơ và giản dị như một người con thưa chuyện với Cha mình. Rồi theo giòng thời gian, từ những buổi nói chuyện với Chúa, cầu nguyện trở thành những giây phút lắng nghe tiếng Chúa. Thiên Chúa luôn luôn là người đi bước đầu. Chính Ngài tìm kiếm và mời gọi con người đáp lại tình yêu thương của Ngài. Kinh nghiệm này thay đổi tận gốc rễ cuộc sống thiêng liêng của bà Blaquière. Bà giải thích: “Đối với tôi, điều quan trọng là tư thế sẵn sàng nghe tiếng Chúa, giống như cậu bé Samuel trong Cựu Ước: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Bí thuật của đời sống thiêng liêng là phải thính tai, để nghe được tiếng Chúa nói trong tâm lòng mỗi người chúng ta. Thánh vịnh 40 nói: “Chúa đã mở tai tôi”.

Khi có người tò mò muốn biết thái độ lắng nghe tiếng Chúa chỉ xảy ra trong lúc cầu nguyện hay đó là một thái độ liên tục diễn ra trong mọi lúc của cuộc sống, bà Blaquière ngạc nhiên vặn lại: “Tại sao phân biệt hai thái độ trong cùng cuộc sống? Hai thái độ này không được tách rời nhau, nhưng là một thái độ duy nhất. Điều quan trọng không phải là cầu nguyện, nhưng là yêu mến, là sống thân tình với Chúa. Tâm tình này diễn ra trong mọi lúc của cuộc sống, nhưng dĩ nhiên nó cô động hơn, trong những giây phút đặc biệt con người dành riêng để lắng nghe tiếng Chúa và yêu mến Ngài”.

Khi cầu nguyện, nên thinh lặng để nghe tiếng Chúa. Phải dành cho Ngài trọn chỗ đứng, thay vì làm cho Ngài bị ngộp thở vì những lời kể lể dài dòng của chúng ta. Nhưng nhất là đừng bao giờ “chộp bắt”, hoặc “nắm giữ” Chúa Thánh Linh. Tôi nhớ lời một vị linh mục nói với tôi: “Người ta không thể nào nắm lấy Chúa Thánh Linh. Ngài như con chim chỉ biết bay không ngừng nghỉ”. Câu nói cũng giải thích cho thái độ người tín hữu phải có khi cầu nguyện. Cầu nguyện là thờ lạy Chúa, là để cho Ngài giữ địa vị Ngài là Thiên Chúa. Vậy thì làm thế nào để có thể thông hiệp với Chúa Thánh Linh, Đấng là khách trọ hiền lương của tâm hồn và là Vị Thầy Thiêng liêng uốn nắn những gì cứng cỏi nơi chúng ta? Thưa không phải bằng ngôn từ, nhưng bằng thái độ thinh lặng nội tâm sâu xa. Chính vì cầu nguyện là lắng nghe ước muốn của Thiên Chúa, nên phải để Thánh Linh cầu nguyện trong chúng ta. Ngài sẽ trợ giúp cho sự yếu đuối của chúng ta.

Tuy nhiên, khi được hỏi: bà nghĩ gì về chủ trương của nhiều tín hữu ngày nay không còn kêu xin Chúa trong lúc cầu nguyện nữa, bà Georgette Blaquière trả lời: Lời cầu xin nằm trong lòng lời tán tụng thờ lạy và ngợi khen! Tôi cảm thấy vô cùng đau khổ khi nghe có người nói: “Chúa biết rõ chúng ta cần gì”. Nói như thế tức là không có ý thức đủ Thiên Chúa là Ai và con người là gì. Đối với tôi, trong lời cầu nguyện xin, tôi thân thưa với Chúa điều lòng tôi ước nguyện và Thiên Chúa chờ đợi tôi trình bày ước nguyện ấy để trao ban cho tôi. Như thế tôi được hưởng niềm vui của kẻ được đáp ứng lời kêu cầu, còn Thiên Chúa Ngài hài lòng vì đã đáp trả lời tôi nài van. Tôi xin đan cử một ví dụ. Khi tôi tự ý cho cháu tôi một món quà thì nó sẽ lễ phép cám ơn tôi, nhưng không hoàn toàn được mãn nguyện. Trái lại khi tôi bằng lòng cho cháu món quà cháu xin, chắc chắn cháu sẽ rất vui mừng. Phần tôi, tôi cũng được hưởng niềm vui của kẻ đã làm thỏa mãn ước nguyện của một người. Thiên Chúa cũng vậy. Ngài là Cha. Ngài chờ đợi chúng ta kêu xin để nhận lời. Khi cầu xin với Thiên Chúa điều gì, tôi cảm thấy mình thật sự tự do và thật hãnh diện, niềm hãnh diện đơn sơ của một người con khi đối diện với Cha mình là Thiên Chúa!

(“PRIER”, Mai/1991, trang 5-7).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN