Quê Mẹ: Giáo xứ và Người Đại Điền


GIÁO XỨ ÐẠI ÐIỀN thành lập năm 1820, Bổn mạng thánh Phanxicô Xavie, số giáo dân 1130.

Lược sử:

1. Vị trí địa lý

Với diện tích: 45 cây số vuông, gồm các Xã Diên Phú, Diên Ðiền, một phần Thị Trấn Diên Khánh và xã Vĩnh Phương.

Ðông giáp Giáo xứ Phù Sa (Quốc lộ I + đường đất từ Quốc lộ đến cầu Xuân Phong) và Bình Cang (Sông Cái). Tây giáp Giáo xứ Cây Vông (từ Cầu Gỗ cũ đến Quán Ðôi đường cái đá, và từ trường học Phú Ðiền đến nhà thờ họ Ngô, ranh giới Diên Ðiền và Diên Sơn). Nam giáp Giáo xứ Hà Dừa (Sông Cái từ Cầu Gỗ cũ đến Cầu Mới. Bắc giáp Giáo xứ Lương Sơn (Ðèo Rù Rì).

2. Hình thành và phát triển

Giáo xứ Ðại Ðiền bắt đầu nguồn gốc từ các bậc tiền nhân đến lập nghiệp, họ là những hạt giống đức tin được lãnh nhận nơi các vị thừa sai gieo vải. Nơi đây là núi xanh, rừng rậm, đồng hoang, họ đã thiết lập ngôi nhà nguyện đầu tiên bằng mái tranh vách đất vào năm 1820, cách ngôi thánh đường hiện nay độ 400 mét về phía Tây Bắc thộc Ðại Ðiền Ðông thuộc xã Diên Ðiền.

Năm 1868, đời Tự Ðức 21, trải qua cơn bắt đạo, giáo dân tản mát, có số bị bỏ xuống giếng nay được gọi là " Giếng lạng"; có số bị cột đá thả xuống sông, ngôi nhà nguyện bị thiêu rụi.

Vào năm 1890, cơn bách hại lắng dịu, bà con tề tựu về và xây cất lại nhà nguyện với quy mô rộng lớn hơn trên phần đất tục danh là "Ðồng Dưa" nơi thánh đường hiện nay.

Tháng 9 năm 1912 Nhâm Tý, một cây bão khốc liệt đã làm sập đổ ngôi nhà nguyện một lần nữa. Dù có bao nhiêu biến cố làm mất mát biết bao con người và vật chất, nhưng với đức tin ăn sâu vững chắc được mọc lên, người giáo dân không hề nản chí.

Năm 1913, được sự trợ giúp của cố Quới, Cha sở Hà dừa, Cây vông, cùng với các ông Phan tấn Kim, Nguyễn Nhân, Nguyễn Thạch, bà con giáo dân hợp lực xây cất lại ngôi thánh đường theo lối kiên trúc Tây phương, với quy mô rộng lớn và chắc chắn hơn, với bộ sườn cấu kết bằng danh mộc, mái lợp ngói âm dương, tường bằng vôi gạch.Vì số giáo dân quá ít, đời sống vật chất khó khăn, nên công trình không thể hoàn thiện được. Ðến năm 1937, giáo dân hoàn thiện tháp tiền đàng với chiều cao 11m và đặt thánh Phanxicô Xaviê làm quan thầy.

Năm 1948, sau khi Linh mục Antôn Chẩm bị thương, Ngài đã về sống phục vụ ở giáo xứ Ðại Ðiền và qua đời ít lâu sau đó.

Năm 1950, Linh mục Vicentê Lê công Khường về nhậm xứ. Từ đó, giáo xứ được nâng lên hàng chính xứ. Trong thời gian ngắn ngũi, Ngài đã xây cất một ngôi nhà trường, một nhà hội.

Năm 1952, Ngài được thuyên chuyển đi giáo xứ Hoà Tân và giao lại cho Linh mục Phêrô Sanh. Vài tháng sau, Linh mục Sanh được thuyên chuyển đi Diêm Ðiền, Tu Bông, Vạn Giã.

Năm đình chiến 1954, Linh mục Phêrô Nguyễn thanh Quý từ Vườn Vông, Quy Nhơn vào Nha trang và được ÐGM Piquet chỉ định làm cha sở Ðại Ðiền. Trong thời gian quản xứ, Ngài đã cho đại tu bổ lại ngôi thánh đường, thay mái ngói, bắn thêm chiều cao, nới thêm chiều rộng chiều dài. Ngoài ra, Ngài còn khuyến khích trồng dừa, đào ao nuôi cá, vét giếng. Sau 4 năm quản xứ, ngài trở về Quy Nhơn. Từ đó, giáo xứ Ðại Ðiền lần lượt được đặt dưới sự dìu dắt của các linh mục: Lm Phêrô Nguyễn tấn Thì: 1958 -1961; Lm Ðôminicô Nguyễn trung Thành. Trong thời gian quản xứ, Ngài đã nâng mặt bằng xung quanh thánh đường, xây dựng sân tiền đàng. từ 1961 -1972; Lm Phêrô Nguyễn văn Hảo: 1972-1973; Lm Phêrô Vũ văn tự Chương: 1973 -1987; Năm 1987 - 2001: Lm Giuse Nguyễn hoàng Kim. Trong thời gian quản xứ, Ngài đã xây cất một ngôi thánh đường mới, một nhà xứ 2 tầng, một nhà hội dài 20 mét, một nhà trẻ; tu bổ, sửa chữa nhà bếp, tường rào; lát đá chung quanh thánh đường. Sau một thời gian dài hoạt động tích cực và đầy lòng hy sinh cho giáo xứ, Ngài ngã bệnh và sức khoẻ ngày một yếu dần. Năm 1997, Ðức giám mục giáo phận Phaolô Nguyễn văn Hoà chỉ định Lm Phêrô Trần văn Ðiện làm phó xứ để giúp ngài. Lm Phêrô Trần Văn Điện 2001-2004; Lm Phaolô Đặng Ngọc Duy: 2004-...