CUỘC TÌNH GIỮA CHÀNG THỢ MÁY VÀ CÔ GÁI ĐIẾM

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt


... Alaino quốc tịch Argentina, Nam Mỹ. Anh làm việc trên chiếc tàu chuyển hàng hóa từ Argentina sang Alaska, Tây Bắc Trung Mỹ. Mỗi cuộc hành trình kéo dài từ một đến hai, ba tháng. Trong cuộc đời lênh đênh trên biển cả, anh quen thân với người thợ máy tên Johnny. Cả hai là tín hữu Công Giáo. Chính Alaino kể lại câu chuyện mà anh là nhân chứng.

Johnny mang hai dòng máu Malaisia và Anh, nhưng có nước da thật sậm. Anh ít nói và hơi nhút nhát, nhưng luôn chững chạc khiến người khác phải kính nể. Trong mỗi cuộc hành trình, chuyến tàu của chúng tôi thường ngừng lại nơi hải cảng của một nước Trung Mỹ. Một hải cảng nhỏ và nghèo nhất thế giới. Một ngày, tôi đang bận bịu khuân vác hành lý, Johnny đến bên tôi và nói:
- “Alaino à, có bao giờ người ta cưới một cô gái điếm làm vợ không?”. Vừa làm việc, tôi vừa hỏi lại:
- “Nhưng là tình yêu chân thật hay chỉ là thứ lửa của rơm bốc cháy?”. Johnny điềm tĩnh đáp:
-“Tình yêu thật đấy. Mình đã gặp cô ta hai lần khi tàu của chúng ta dừng lại nơi hải cảng này”. Tôi nói:
-“Gái làng chơi trước tiên là một phụ nữ. Nếu quả thật hai người yêu nhau, thì đâu có gì ngăn trở anh và nàng thề hứa trọn đời yêu nhau?”.
Im lặng một chút, Johnny tiếp lời:
- “Tôi hơi do dự. Nhưng tôi muốn anh giúp tôi bằng cách gặp nàng. Nàng nói tiếng Tây-Ban-Nha, còn tôi lại không hiểu và nói rành tiếng này”. Tôi mĩm cười đáp:
-“Được rồi. Chuyến dừng lại kỳ tới, chúng mình sẽ cùng đến nhà nàng”.

Hai tháng sau, tàu cập bến. Sau khi chu toàn mọi công tác, Johnny và tôi lấy taxi đi về nhà nàng Melba, cô gái điếm và là người yêu của Johnny. Chúng tôi dừng lại nơi một khu phố nghèo nàn và dơ bẩn. Trời tối đen, nên phải là người quen đến đây lắm mới có thể phân biệt căn nhà muốn tìm. Johnny tiến thẳng đến một căn nhà rồi đẩy cửa bước vào. Đó là căn nhà của Melba, sống nghề mãi dâm, đặc biệt với những thủy thủ qua lại cảng này. Nàng trạc 28. Trong khi Johnny tuổi đã 40. Nàng có mái tóc đen, đôi mắt thông minh và một nét đẹp dịu dàng. Nàng đã có 4 người con với 4 chàng thủy thủ khác nhau. Hiện tại nàng giao các con cho một gia đình chăm sóc.

Ban đầu chúng tôi hơi ngượng ngập và lúng túng. Nhưng rồi Johnny nhất định đi thẳng vào đề. Anh nói với Melba:
- “Đây là bạn anh. Anh muốn bạn anh và em nói chuyện với nhau. Em hãy hoàn toàn tin tưởng nơi bạn anh. Bạn anh sẽ giải thích cho em hiểu rõ mọi chuyện”.. Melba đưa tôi sang phòng bên cạnh. Tôi nói với nàng về tình yêu Johnny dành cho nàng. Đáp lại, nàng cũng bày tỏ cho tôi biết tình yêu nàng dành cho Johnny, không phải chỉ nguyên vì lý do Johnny cung cấp một nửa tháng lương của chàng cho nàng nuôi nấng 4 đứa con! ..

Trên đường trở lại bến tàu, chúng tôi cùng đồng ý phải đợi thêm một thời gian nữa. Bằng một gọng điềm tĩnh thường lệ, Johnny nói với tôi:
- “Anh biết không, nếu chúng tôi cưới nhau, tôi muốn rằng nàng phải chấm dứt nghề mãi dâm.. Nhưng hoàn cảnh của chúng tôi thật khó. Trong lúc tôi lênh đênh trên biển cả thì rất có thể nàng sẽ rơi vào nếp sống cũ .. Vậy xin anh làm ơn cho tôi biết ý kiến là tôi có nên quyết định cưới nàng làm vợ không?”.
Tôi lại đóng vai “ông mai” bất đắc dĩ nhưng nhiệt tình giúp bạn. Lần ghé bến tiếp đó, trước mặt tôi, cả hai cùng thề hứa trọn đời yêu nhau. Một ý tưởng bỗng loé lên trong đầu, tôi đặt câu hỏi:
- “Bây giờ quý vị muốn công khai bày tỏ tình yêu, hay chỉ muốn yêu nhau cách lén lút?”.
Cả hai đồng ý phải chính thức làm lễ thành hôn nơi nhà thờ, vì cả hai đều là tín hữu Công Giáo.. Vậy là tôi phải đứng ra thu xếp mọi sự để hôn lễ được cử hành nơi nhà thờ xứ của hải cảng.. Buổi lễ diễn ra thật đơn sơ nhưng cũng thật cảm động. Sau lễ cưới, một mình tôi trở lại tàu, còn Johnny từ giã nghề thủy thủ và ở lại xây tổ uyên ương với người chàng yêu mến.

Bốn năm sau, tôi lại ghé cảng và đến thăm đôi vợ chồng. Họ mua một căn nhà cách xa cảng, nơi một nông trại nhỏ và sống hạnh phúc với 4 đứa con. Johnny và Melda đã giao kết hai nghề nghiệp hầu như không thể trung tín được: đó là nghề thủy thủ và nghề mại dâm!.

(Charles Lepetit, “MES AMIS LES PAUVRES”, Nouvelle Cité, Paris 1984, trang 46-49).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN