CHUNG THỦY TRONG BẬC VỢ CHỒNG


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Ông Bà Francois và Jacqueline Robert có 5 người con. Ông bà là thành viên của Ủy Ban Toàn Quốc Mục Vụ Gia Đình Pháp. Cả hai cùng gia nhập phong trào Focolare - Tổ Ấm, ngay từ khi mới lấy nhau. Ông bà phụ trách nhóm “Gia Đình Mới”, tại Pháp, một ngành của phong trào Tổ Ấm. Mời đọc chứng từ của ông bà về tình yêu chung thủy.

Ông nói: Khi quyết định lấy nhau, chúng tôi chỉ muốn đơn sơ một điều: chung sống với nhau. Có lẽ chúng tôi bằng lòng làm bất cứ điều gì, ngay cả trên phạm vi nghề nghiệp, với một ước nguyện duy nhất là cùng sống và cùng xây dựng. “Yêu Thương” đối với chúng tôi đồng nghĩa với “nên một”, và nên một cho đến chết.

Giờ đây, sau hơn 30 năm chung sống, ước muốn 'nên một' vẫn tồn tại. Chỉ khác một điều, chúng tôi hiểu sâu xa hơn mọi chiều kích của cuộc sống chung 'nên một' này. Thêm vào đó, với tư cách tín hữu Công Giáo và là thành viên phong trào Tổ Ấm, chúng tôi được củng cố trong chọn lựa sống mối tình hiệp nhất yêu thương này. Năm tháng càng trôi đi, chúng tôi càng khám phá ra đâu là giá trị chính yếu: dấn thân làm cho Chúa GIÊSU KITÔ hiện diện giữa chúng tôi.

Cách thức sống hiệp nhất ấy giúp chúng tôi có nghị lực đương đầu với những khó khăn gặp phải. Mỗi khi xuất hiện vấn đề gì với con cái, chúng tôi cảm nghiệm tầm quan trọng của sự hiệp nhất 'nên một', bởi vì nó giúp chúng tôi sức mạnh để giải quyết vấn đề.

Bà nói: Cùng với năm tháng trôi qua trong đời vợ chồng, tôi rút ra kinh nghiệm: để có thể 'nên một', tôi không nên ước muốn chiếm hữu chồng, nhưng phải yêu chồng vì chồng và luôn luôn biết tha thứ cho chồng. Tôi phải kính trọng chồng, và biết chấp nhận những phần riêng tư khép kín của chồng.

Dĩ nhiên cuộc sống hôn nhân vợ chồng của chúng tôi cũng dẫy đầy những bước thăng trầm, những căng thẳng và những khó khăn. Nhưng những lúc ấy, chính là lúc chúng tôi sống kinh nghiệm tha thứ. Càng biết tha thứ cho nhau, tình yêu càng được củng cố và gia tăng. Ngoài ra, càng biết tha thứ cho nhau, càng giúp chúng tôi biết mở rộng lòng tiếp nhận Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi sự: của sự tha thứ và nhất là, của tình yêu.

Ngoài kinh nghiệm biết tha thứ lẫn nhau, để duy trì mối giây hiệp nhất vợ chồng, tôi còn sống một kinh nghiệm khác. Đó là biết để cho chồng tự do phát biểu, diễn tả và biết lắng nghe chồng nói, lắng nghe những nguyện ước của chồng. Nhưng nhất là, biết dọn một chỗ trống trong tâm hồn, trong con tim, để tiếp nhận chồng. Năm tháng càng chồng chất, cách thức yêu thương nhau cũng đổi khác. Sau hơn 30 năm chung sống, chắc hẳn đâu có yêu thương nhau dễ hơn là sau hai năm mới lấy nhau!..

Ông nói: Tôi muốn thêm vào một chiều kích khác của đời sống hôn nhân. Ngược dòng thời gian, bây giờ tôi hiểu rõ hơn rằng, khi chúng tôi quyết định lấy nhau, chính là lúc chúng tôi chấp nhận sống ơn gọi vợ chồng. Đối với chúng tôi, bí tích Hôn Nhân đúng thực là sức mạnh và là ánh sáng. Hôn nhân cũng còn là một lời mời gọi. Đáp lại lời mời gọi này tức là chúng tôi ước muốn cùng nhau chung sống, trong mỗi giây phút của cuộc đời, trong hiệp nhất và trong sự hiện diện của Đấng đã kêu mời chúng tôi hãy làm cho Ngài được hiện diện giữa chúng tôi và giữa thế giới.

“Nhan sắc phụ nữ làm mát mắt người nhìn, và đó là điều khiến đàn ông khoái nhất. Nếu nàng còn ăn nói dịu dàng yêu thương, thì trong thiên hạ chẳng có ai được như chồng nàng. Cưới vợ là khởi đầu sự nghiệp, là có một trợ lực tương xứng, và một cột trụ để tựa nương .. Phúc thay ai cưới được vợ hiền, tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi. Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng, được an vui suốt cả cuộc đời. Vợ hiền là số tốt phận may dành cho những người kính sợ Chúa: Giàu hay nghèo, lòng vẫn cứ an vui, lúc nào nét mặt cũng tươi cười” (Huấn Ca 36,22-24 / 26,1-4).

(“Annales d'Issoudun”, Octobre/1993, trang 292-295).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN