TẬN TỤY GIÚP NGƯỜI CAO NIÊN TRUNG HOA


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Năm 1879, Chị Jeanne Jugan lìa trần. Cùng năm ấy, chị Francoise Teilhard de Chardin chào đời. Sau này Chị trở thành Tiểu Muội Người Nghèo.

Francoise là hiền tỉ của Cha Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955). Cha là Linh Mục dòng Tên, thừa sai tại Trung Quốc và là nhà thần học nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo và của thế giới. Năm 1981, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cha Pierre, khắp nơi trên thế giới, đặt biệt tại trụ sở tổ chức UNESCO, người ta long trọng tưởng niệm vị anh tài dành trọn thời giờ để học hỏi, nghiên cứu về cổ sinh vật học, về tiền sử học và về tư tưởng triết học và tôn giáo..

Chị Francoise Teilhard de Chardin, không được lỗi lạc như hiền đệ, nhưng giống em ở lý tưởng tận hiến và thừa sai: cả hai chị em đều truyền giáo tại Trung Quốc.

Francoise có tính tình độc lập, cương quyết và suy nghĩ chín chắn. Ngay từ năm lên 10, cô đã tự thề hứa với lòng mình: “Khi nào tròn 22 tuổi, tôi sẽ thực hiện quyết định không dời đổi của tôi”. Trong khi chờ đợi, cô dốc toàn lực vào việc học, nghiên cứu và yêu chuộng ngành hội họa cũng như âm nhạc. Nhờ tận dụng mọi khả năng và sở thích, Francoise đã thực sự trở thành nhà trí thức của nhiều bộ môn khác nhau.

Năm 24 tuổi, đúng theo ước nguyện của thời thơi ấu, Francoise xin vào dòng các Tiểu Muội Người Nghèo, trong cộng đoàn tại thủ đô Paris. Sau đó chị vào nhà tập của dòng tại Tour Saint-Joseph. Cũng trong thời gian này, Pierre người em trai chị, gia nhập dòng Tên và tu học tại Jersey, quần đảo Anh. Một ngày, Pierre Teilhard de Chardin đến thăm chị. Cha Pierre ghi lại cảm tưởng như sau: “Dòng Các Tiểu Muội Người Nghèo là dòng đang hoạt động hăng say, được hướng dẫn và điều khiển trong một khung cảnh đượm đầy bầu khí gia đình. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh các tập sinh làm việc ngoài đồng, đầu đội mũ có vành thật rộng, để che nắng mặt trời. Chị Francoise vẫn vui vẻ như ngày nào, và có lẽ cởi mở hơn trước nhiều”.

Về phần chị Francoise, sau thời gian nhà tập, chị được sai đi làm việc trong cộng đoàn ở Tourcoing. Chị kể lại việc làm trong thời gian này: “Tôi được giao việc đi hành khất, buổi sáng xin thức ăn, buổi chiều xin tiền. Tôi bắt đầu những ngày hành khất tiên khởi ở ngoài chợ. Tôi không thể kể hết niềm vui của những lần chúng tôi đi xin thức ăn. Chúng tôi vất vả với thúng, rổ, bị, có đầy rau quả thức ăn”.

5 năm sau ngày nhập dòng, năm 1908, chị Francoise Teilhard de Chardin được Bề Trên chỉ định đi truyền giáo tại Trung Quốc. Chị vui mừng không kể xiết. Trước khi lên đường, chị về thăm gia đình. Mọi người ngạc nhiên trước thái độ chững chạc trưởng thành và trước nếp sống nội tâm sâu xa của chị. Chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Thượng Hải, chị được chỉ định làm Bề Trên cộng đoàn tại đây. Chị hăng say chu toàn trách nhiện cùng với việc chăm sóc những người già cả, nghèo nàn và bị bỏ rơi. Chị tận tâm đến độ, chỉ ba năm sau, chị ngã bệnh nặng và qua đời ngày 7-6-1911, hưởng dương 32 tuổi.

Nhiều thơ từ liên lạc của chị còn lưu giữ. Qua thư từ, người ta khám phá ra nhân cách tuyệt vời dấu kín trong bộ áo khiêm tốn Tiểu Muội Người Nghèo, nhưng có nét đẹp tinh thần cao cả không thua gì hiền đệ là Cha Pierre Teilhard de Chardin. Chính Cha Pierre từng ca tụng khi nói về người chị yêu dấu: “Càng nghĩ về cuộc đời chị Francoise càng khám phá rằng, Thiên Chúa đã ban cho Chị cuộc sống tuyệt đẹp, đẹp đến nỗi, có lẽ Chị không dám mơ ước mình được như thế..”.

“Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí. Theo luật dạy, con hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng. Hãy bỏ tiền ra giúp người anh em bạn hữu, đừng đem chôn dưới đá kẻo nó hư đi. Hãy theo lệnh Đấng Tối Cao mà sử dụng của cải, việc đó còn ích lợi cho con hơn cả vàng. Rộng tay bố thí là con chất đầy kho lẫm, và con sẽ thoát mọi nỗi gian nguy. Của bố thí sẽ nên vũ khí giúp con chống địch thù, lợi hại hơn cả khiên dầy giáo nhọn” (Huấn Ca 29, 8-13).

(“MISSI”, 10/1982, trang 262).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN