ÔNG GIÁM ĐỐC LÝ TƯỞNG


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Kể từ sau khi được trùng tu vào năm 1994, nhà nguyện Sistina trong nội thành Vatican đã thu hút hàng triệu du khách hành hương từ năm châu bốn biển tuốn đến thăm viếng. Mọi người muốn chiêm ngưỡng tận mắt trần nhà nguyện với những bức vẽ của nhà danh họa MichelAngelo Buonarroti (1475-1564). Tên tuổi MichelAngelo gắn liền với nhà nguyện Sistina, đền thờ thánh Phêrô, các bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi ‘‘Pietà”, David và Maisen v.v.

Sử liệu viết về ông như nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư và thi sĩ, thường sáng tác trong cô đơn.. Tất cả các tác phẩm nghệ thuật của ông nói lên tài nghệ không ai sánh kịp. Thế nhưng, có một đức tính nỗi bật trong cuộc đời nhà nghệ sĩ tài ba mà ít người nhắc đến. Đó là biệt tài chỉ huy, điều khiển xí nghiệp của ông. Ông là ông chủ khôn ngoan, cư xử thân tình với các nhân viên thuộc quyền.

Ông MichelAngelo trước tiên là nghệ sĩ sành điệu, biết ăn đúng món, mặc đúng kiểu.. Ông luôn di chuyển bằng lừa hoặc bằng ngựa. Thế giới vẫn thường khâm phục và chiêm ngưỡng ông trong những giờ phút cô đơn, khi ông phải lặng lẽ nằm vẽ ngược lên trần nhà nguyện Sistina hoặc khi hoàn thành những tác phẩm nghệ thuật để đời như tượng Đức Mẹ Sầu Bi ‘‘Pietà”, David và Maisen. Thế nhưng trong các tài liệu tìm thấy ở Firenze và Pisa (Bắc Ý), người ta mới vỡ lẽ khám phá ra rằng, hồi ấy, ông MichelAngelo đã điều khiển một xí nghiệp với khoảng 250 nhân viên..

Ông MichelAngelo luôn luôn làm việc với một nhóm cộng tác viên. Chẳng hạn, để hoàn thành trần nhà nguyện Sistina, ông đã hội ý ít nhất 13 họa sĩ. Tại Firenze, các phần mộ bằng đá của dòng họ nhà Medicis đã được ông trang trí bằng 4 pho tượng biểu hiệu ngày, đêm, bình minh và hoàng hôn. 4 pho tượng được chạm trổ do khoảng 20 người thợ đẽo đá. Ngoài ra có khoảng 200 người thợ khác làm việc dưới quyền điểu khiển của kiến trúc sư MichelAngelo để xây thư viện thuộc nhà thờ Thánh Lorenzo. Thư viện Thánh Lorenzo là tòa nhà đẹp nhất của thành phố Firenze. Công trình xây cất thư viện kéo dài đến 18 năm.

Chính nhờ ông chủ thầu MichelAngelo mà người ta biết được cuộc sống các cộng tác viên của ông. Hàng tuần, ông ghi rõ tên tuổi, số ngày làm việc cũng như tiền lương của mỗi một người. Nhà danh họa luôn tạo mối liên hệ thân tình với hầu hết những người làm việc dưới quyền ông. Đôi khi ông đặt cho họ những ‘‘tên cúng cơm”, nói lên tính tình đặc biệt của từng người. Điểm này cho biết: ông biết rõ mỗi người với những ưu và khuyết điểm. Thế nhưng, dù cho có những người thợ làm việc cẩu thả hoặc thiếu lương tâm, ông chủ MichelAngelo không bao giờ sa thải thợ. Nguyên tắc điều khiển của ông: Cần phải minh chứng lòng kiên nhẫn.

Tất cả thợ làm việc thuộc quyền ông MichelAngelo đều được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi: bảo hiểm việc làm, đồng lương tương xứng và được nghỉ đúng thời hạn. Ngoài ra các công nhân được ký những hợp đồng ‘‘quá bảo đảm”, so với tình trạng xã hội thời đó. Các hợp đồng thường kéo dài đến 10, 20, 30 năm. Đôi khi còn hơn 30 năm nữa! Thật là điều khó tin, nhưng lại có thật, ở vào thế kỷ 16!

Ông chủ MichelAngelo luôn luôn dành trọn thời giờ cho nhân viên và cho công việc. Nhiều lúc ông đích thân đến tận nơi để xem xét và điều khiển tại chỗ. Ông không có ngày thứ bảy nghỉ hoặc những ngày hè nghỉ ngơi dưỡng sức. Nói tắt một lời ông là ông chủ trông coi mọi chuyện. Không gì lọt khỏi mắt ông. Ông để ý đến cả những chi tiết nhỏ nhặt, tầm thường nhất. Nhưng ông không độc tài. Ông tôn trọng và khuyến khích sáng kiến của các nhân viên.

Ngoài thời giờ dành cho công việc điều khiển nhân viên, ông vẫn tìm ra thời giờ để sống cho mình, để sáng tác và để trao đổi thư từ.

Nhà danh họa kiêm chủ thầu MichelAngelo Buonarroti qua đời năm 90 tuổi. Ông đã sống một cuộc đời đầy trọn ý nghĩa, dung hợp giữa thiên tài sáng tác và trách nhiệm của một người chủ. Ông cho đi tất cả khả năng tuyệt hảo của mình đồng thời đòi buộc và khuyến khích người khác cũng cho đi những gì tuyệt hảo của họ. Lúc sinh thời, không một khách hàng nào kêu ca điều gì. Ngày nay cũng thế. Không một du khách nào chiêm ngắm các tuyệt tác của ông MichelAngelo Buonarroti mà có thể tìm ra một kẽ hở để phê bình ông! Tên tuổi ông sống mãi với thời gian.

(”Reader's Digest SÉLECTION”, Avril/1997, trang 95-98).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN