BÀ MẸ VÀ BÀ GIÁO


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Valérie là bà mẹ Công Giáo người Pháp. Bà sống thật hạnh phúc bên cạnh chồng và 6 đứa con. Chính bà kể lại cuộc sống gia đình và cách thức giáo dục con cái.

Khi mang thai bé gái sau cùng, tôi nhất định dẫn cả 5 đứa con theo tôi đến nhà thương dự cuộc khám thai. Tôi nói với chúng: ‘‘Thật tuyệt đẹp khi nhìn em bé xuất hiện trên màn ảnh. Do đó, mẹ muốn các con có dịp chiêm ngắm hình ảnh này!”.. Khi chồng tôi và tôi, cùng với 5 đứa con rời nhà thương, một phụ nữ cao tuổi chăm chú nhìn chúng tôi đi qua từng người một. Bà ngạc nhiên hỏi: ‘‘Tất cả 5 đứa này đều là con của ông bà hết sao?” Tôi đáp ngay: ‘‘Phải, đúng như vậy!” Bà kêu lên: “Ồ, thật là tuyệt!” Nét mặt kèm với câu nói đầy thán phục của bà gieo vào lòng tôi niềm hãnh diện bao la. Tôi nhủ thầm: ‘‘Phải, thật tuyệt vời khi được làm mẹ của 5 đứa con và đang đợi đứa thứ sáu!” Đối với nhiều cặp vợ chồng, sinh con đồng nghĩa với hy sinh. Nhưng đối với chồng tôi và tôi, sinh con đồng nghĩa với niềm vui và hạnh phúc!

Mỗi khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, tôi thường gọi các con ra chiêm ngắm cảnh mặt trời lặn. Giờ đây, chính các con mời tôi: ‘‘Mẹ ơi, mẹ ơi, ra mau ngắm hoàng hôn!” Mỗi khi cùng các con dạo chơi trong rừng, hoặc lang thang ngoài đồng, tôi thường dừng lại nơi một cây đẹp, nơi một cụm hoa dại, hoặc ngước nhìn trời cao và nói với chúng: ‘‘Các con nhìn kìa, đẹp chưa!” Rồi tôi nói thêm: ‘‘Các hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa, bằng cách nói đơn sơ: Con cám ơn Chúa”.

Dĩ nhiên cuộc sống gia đình và công cuộc giáo dục con cái không luôn thơ mộng và trôi chảy như uống nước lã. Vì thế, gặp lúc đứa con ngỗ nghịch cứng đầu, tôi thân thưa với Chúa: ‘‘Chúa ơi, thằng nhỏ đó thật đáng ghét! Nó làm con hết chịu nổi. Dỗ dành, la mắng, đánh đập gì cũng vô hiệu. Nhưng xét cho cùng, nó cũng là con của Chúa. Vậy xin Chúa giúp con biết cách khuyên răn sửa dạy nó .. ”

Hai vợ chồng và 6 đứa con thường quy tụ chung quanh bức ảnh Thánh Gia. Đó là món quà tôi tặng cho phu quân ngày chàng mừng sinh nhật. Chính chàng chọn chỗ đặt bức ảnh: bên trên lò sưởi, trong căn phòng chính, nơi toàn gia đình thường tụ họp. Bức ảnh treo đó thật thích hợp, bởi vì, chúng tôi luôn có trước mắt mẫu gương thánh thiện và yêu thương đầm ấm của gia đình Nagiarét: Chúa GIÊSU, Đức Mẹ MARIA và Thánh Cả GIUSE.

Chúng tôi cố gắng cầu nguyện chung trong gia đình vào mỗi buổi tối, trước khi ngủ. Tuy nhiên đây không phải là chuyện dễ. Đôi lúc không thể nào quy tụ cả hai vợ chồng và 6 đứa con được .. Tôi luôn dạy các con biết nhớ đến người khác trong kinh nguyện riêng của mình. Chẳng hạn, nên nhớ cầu nguyện cho người bạn cùng lớp, hay gian lận khi làm bài. Hoặc cầu nguyện cho người bạn mà mình cãi lộn rồi đánh nhau. Hoặc cầu cho người trong làng, trong xóm bị bệnh. Cầu nguyện là chuyện đơn sơ và giản dị như ăn và uống, như hít thở không khí. Mỗi buổi tối, cùng với chồng, chúng tôi thường cầu nguyện chung, cố gắng đào sâu Đức Tin trong cuộc sống lứa đôi.

Tôi nhắc nhở các con về ý nghĩa việc chia sẻ. Chẳng hạn khi một đứa nhận được gói kẹo thì nhớ chia cho tất cả các anh chị em mình cùng ăn. Hoặc khi trong tủ lạnh chỉ còn ít trái cây, tôi nói với con: ‘‘Nếu con thích ăn trái chuối này thì có lẽ em con cũng thích như con. Vậy con hãy chia cho em con một nửa”.

Lời Chúa GIÊSU phán: ‘‘Không có tình yêu nào lớn hơn việc trao ban mạng sống mình cho người mình yêu” trở thành kim chỉ nam trong cuộc đời làm vợ và làm mẹ của tôi. Đối với tôi, chấp nhận việc nội trợ và khước từ công việc bên ngoài, chính là để tận hiến đời tôi cho cuộc sống gia đình: cho chồng và cho con cái.

Bà Claudine là nữ giáo sư Công Giáo người Pháp. Bà yêu nghề, nhưng nhất là ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình trong vấn đề giáo dục giới trẻ, đặc biệt về phương diện tôn giáo. Bà nói:

Đối với nhà giáo nơi trường công ở tỉnh lỵ, thì làm môn đệ Chúa KITÔ ngày nay có nghĩa là, quảng đại phục vụ học sinh. Hoặc nói đúng hơn, tận tâm tận lực thi hành bổn phận của mình, hầu giúp người trẻ vừa mở rộng kiến thức vừa hấp thụ một nền giáo dục vững vàng, để có thể tự chuẩn bị cho tương lai. Nhà giáo cũng có nghĩa là nhà giáo dục, mặc dầu việc giáo dục người trẻ dành ưu tiên và nhiều trách nhiệm hơn cho các bậc làm Cha làm Mẹ.

Nhiều lúc đi trong hành lang của trường, tôi chứng kiến cảnh các thiếu niên nam nữ ôm hôn nhau. Tôi thông cảm với con tim non nớt của các em. Tuy nhiên, tôi không nhắm mắt làm ngơ. Tôi luôn tìm cơ hội để nói với các em về vẻ đẹp của tâm hồn trong trắng trong thân xác trong sạïch. Tôi cũng giải thích với các em về lòng kính trọng người khác và kính trọng chính mình. Đôi khi tôi cảm thấy ngại ngùng vì phải đề cập đến các vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo và luân lý đạo đức. Nhưng tôi tự nhủ: ‘‘Mình phải làm, vì đây là một trong các bổn phận chính yếu, hàng đầu của nhà giáo, tức nhà giáo dục”. Ngoài ra tôi nghĩ phải hướng dẫn các em trong cung cách cư xử thường ngày, vì tôi là bà giáo đứng tuổi và là tín hữu Công Giáo. Thỉnh thoảng tôi đau lòng khi thấy các học sinh mù tịt về giáo lý hoặc về các bản văn Kinh Thánh. Người trẻ ngày nay sống bất cần Thiên Chúa hoặc sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu!

Hiện tượng đáng buồn này thúc đẩy tôi phải tìm mọi cách để làm chứng tá cho Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ loài người. Tôi rao giảng luân lý bằng chính cuộc sống Đức Tin của tôi. Tôi chọn những đoạn văn có phẩm chất luân lý cao để từ đó nói với các thanh thiếu niên về lòng quảng đại, về tình huynh đệ, tình liên đới. Tôi để ý thấy người trẻ nhạy cảm về các vấn đề thuộc phạm vi nhân bản, bác ái.

Hàng năm, nơi học đường chúng tôi tổ chức chiến dịch ‘‘Một bát cơm giúp một trường tiểu học nghèo bên Phi Châu”. Chiến dịch được tất cả các học sinh hưởng ứng. Tiền quyên góp lên rất cao, khiến chúng tôi có thể mua nhiều dụng cụ học sinh và thể thao. Đôi khi chúng tôi cũng góp phần xây cất lớp học mới cho các trường tiểu học nghèo.

Đối với bạn đồng nghiệp, tôi cố gắng sống chứng tá Đức Tin. Các bạn biết rõ tôi là tín hữu Công Giáo sống đạo đàng hoàng, chứ không phải chỉ mang danh Công Giáo. Tuy nhiên, đề cập vấn đề tôn giáo với các bạn đồng nghiệp khó hơn. Bởi lẽ, không ai thích nghe rao giảng hoặc bị sửa dạy cả! Do đó, tôi không lên mặt giảng dạy ai, nhưng chỉ thẳng thắn nói lên quan điểm Kitô Giáo của mình, mỗi khi cần phải can đảm làm chứng cho Chúa GIÊSU KITÔ và Giáo Hội Ngài. Tôi nhớ và cầu nguyện cho các học sinh của tôi cũng như Cha Mẹ chúng. Đặc biệt trong những lúc thi cử, tôi nâng đỡ chúng bằng lời cầu nguyện chân thành của tôi.

Đối với tôi, để có thể sống chứng tá nhà giáo Kitô cách hữu hiệu trong thế giới tục hóa ngày nay, cần phải thực thi trước tiên tình yêu thương. Tôi yêu thương các học sinh bằng cách tận tâm giảng dạy chúng. Tôi theo dõi và lắng nghe các vấn đề khó khăn. Điều quan trọng lôi cuốn các em không phải lời hay ý đẹp, nhưng là hành động cao cả, quảng đại và anh hùng. Chung quanh người trẻ, có quá nhiều người lớn, nói mà không làm, không sống điều mình giảng dạy. Người trẻ chờ đợi mẫu gương sống tích cực của người lớn để bắt chước theo. Nói đúng hơn, người trẻ cần trông thấy trước mắt những nhà giáo dục, những vị tôn sư, những bậc chỉ đạo, dám sống điều mình nói và dám công khai bênh vực cho chân lý, cho công bằng và cho hòa bình.

Đó là mục tiêu tôi cố gắng đạt đến, trong tư cách nữ giáo sư Công Giáo.

(”Annales d'Issoudun”, Avril/1996, trang 122).


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN