CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TRUNG HOA


Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Chúa Nhật 1-10-2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 tôn phong 120 vị Tử Đạo Trung Hoa lên bậc Hiển Thánh. Các Vị đổ máu đào làm chứng cho Đức Tin Công Giáo trong thời gian từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 dưới 3 triều đại: nhà Nguyên (1281-1367), nhà Minh (1606-1637) và nhà Thanh (1648-1907). Trong số 120 vị có 87 vị người Hoa (gồm 5 Linh Mục, 12 nữ tu và 70 giáo dân). 33 vị tử đạo khác là các Thừa Sai Âu Châu (gồm 6 Giám Mục, 19 Linh Mục, 1 tu huynh và 7 nữ tu Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ). 86 trong số 120 vị Tử Đạo chịu chết vào năm 1900. Năm 1900 mở ra một trang sử hãi hùng cho Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Các làng mạc Công Giáo bị bọn giặc Quyền-Phỉ (boxer) hay cũng còn gọi là phiến quân Nghĩa-Hòa-Đoàn nổi lên đốt phá. Các tín hữu Công Giáo bị tàn sát. Xin giới thiệu 4 Vị Thánh Trung Hoa chịu chết vì Đạo dưới thời nhà Thanh ..

.. Thánh Giêrônimo Lư Đình Mỹ (1810-1858) sinh tại huyện Lang Thái, tỉnh Quí Châu, là con cả trong một gia đình khá giả, có 4 người con. Thân phụ là hiệu trưởng một trường học. Anh Mỹ có thân mình tráng kiện, trí tuệ minh mẫn. Ngày còn nhỏ anh đã được học văn chương, và sau khi thân phụ về hưu, anh Lư Đình Mỹ tiếp tục nghề dạy học, được các học sinh và dân làng quí mến. Vì kiến thức sâu rộng và khôn ngoan của anh, cả các quan địa phương cũng thường đến gặp anh để hỏi ý kiến. Về sau, anh lập gia đình và sinh được 3 người con, hai trai một gái.

Năm 38 tuổi, Lư Đình Mỹ gia nhập giáo phái Thanh Thủy. Nhưng 4 năm sau, tức năm 1853, nhờ mượn và đọc được một một số sách của ông Phaolo Dương viết về Đạo Công Giáo, ông Lư Đình Mỹ thấy mình đã lầm đường đi theo giáo phái Thanh Thủy. Ông quyết định theo Đạo thật và sau đó trở thành một trong những tín hữu nhiệt thành nhất, đưa toàn gia đình lẫn thân phụ lẫn em gái và một số bạn tốt trở lại Công Giáo. Cùng năm 1853, ông Lư Đình Mỹ được cha Thoma La ban phép Rửa Tội, Thêm Sức và nhận tên thánh Giêrônimô.

Sau khi vợ qua đời, ông Lư Đình Mỹ tiếp tục sống đời thanh đạm và khổ hạnh, đồng thời hoạt động hăng hái để hoán cải người khác và đã đưa 200 lương dân theo Đạo Công Giáo. Ông cũng thu xếp để đưa cha thừa sai Chapdelaine đến hoạt động tại vùng Quí Dương. Năm 1854, ông bị cáo gian về tội phản bội và phải chịu nhiều cuộc tra tấn. Năm sau, ông dự định xây một nhà thờ làm chỗ giảng dạy giáo lý Công Giáo, nhưng điều này làm cho chú và anh họ của ông phật ý. Hơn nữa, ông còn hiệp sức với ông Lorenzô Vương Bính, một giáo lý viên, công khai bảo vệ bà Agatha Lâm Chiêu. Năm 1858, cả ba đều bị quan trấn tham nhũng ở địa phương ra lệnh bắt giam.

Bị điệu ra trước tòa, quan hỏi: "Anh theo đạo nào?. Anh Lư đáp: "Tôi theo đạo Đức Chúa Trời. Quan lại hỏi: "Đạo Đức Chúa Trời là Đạo gì?” Anh Lư trả lời: "Đức Chúa Trời mà sách Trung Hoa nói về Ngài rằng: 'Hãy kính sợ Đấng mắt ngươi không thấy được, tai ngươi không nghe được'.. Nói đúng ra, Đạo tôi theo chính là Đạo cổ truyền, Đạo tự nhiên của các bậc hiền sĩ trí thức như Khổng Tử và Lão Tử..”. Quan nói: "Anh phải trình bày cho rõ ràng hơn Thiên Chúa là Ai?” Anh Lư trả lời: "Thiên Chúa là Thầy và là Đấng dựng nên trời đất muôn vật. Sách Tứ Thư gọi Ngài là 'Vua Tối Cao'. Đó là Đấng tôi tôn thờ”.

Quan nói: "Anh lý luận chả ra gì! Nhưng anh lại thông minh. Sao anh không chịu bắt chước tôi hầu trở thành Tổng Đốc? Trong thế gian này, thật ra chỉ có 3 tôn giáo lớn:
- đạo của các bậc trí thức để trở nên hoàn hảo;
- đạo của thợ thuyền để có cơm ăn áo mặc;
- và đạo của các người buôn bán.
Ngoài ba thứ đạo này, đâu có đạo nào khác mà anh dám bảo là "Đạo Đức Chúa Trời”? Anh không thấy lý luận như thế là ngu đần và dại dột sao? Anh cũng không nhớ: người sinh ra từ một người khác, vật sinh ra từ một vật khác, và cứ thế, mọi loài vật đều như vậy. Làm sao anh có thể nói được muôn vật được dựng nên bởi Thiên Chúa? Phải chăng anh theo học một ông Thầy nào khác?” Anh Lư đáp: "Không có thầy nào dạy tôi hết. Tôi đọc các sách thuộc về Kitô Giáo và tự tôi phân tích, tìm hiểu kỹ càng về giáo lý của Đạo này rồi tôi tin theo và thực hành giáo huấn của Đạo”.

Quan lại hỏi: "Anh có chịu nói nghịch lại các điều anh vừa nói hay bằng lòng chịu hình phạt?” Anh Lư đáp: "Nếu quan phạt, tôi đành chịu. Nhưng nếu phải nói nghịch với Đức Tin của tôi, tôi không thể nào nói được”. Quan lại hỏi: "Cha mẹ anh còn sống không?” Anh Lư trả lời: "Cha mẹ tôi còn sống. Các ngài nay đã ngoài 80 tuổi. Chúng tôi có tất cả 4 anh em, nhưng sống xa nhau từ 10 năm nay. Chúng tôi thay phiên nhau cung cấp cho Song Thân đủ mọi nhu cầu cần thiết”. Quan nói: "Anh sống tách khỏi gia đình và Cha Mẹ phải xin của ăn nơi từng đứa con như những người ăn mày sao? Anh không nhớ là anh phải tuân giữ 8 điều luật:
- hiếu thảo với cha mẹ
- thương yêu anh chị em
-trung tín với vua
-thành thật với bạn
-ngay thẳng với đồng bào
-công chính
-tiết độ
-và liêm sỉ
sao? Thật anh đáng bị trừng phạt lắm. Vả lại, Đạo Đức Chúa Trời và các sách của Đạo này đâu có phải của hoàng đế nước ta! Đó là Đạo ngoại lai. Tại sao anh theo Đạo ấy làm chi? Bây giờ anh đi về nhưng phải suy nghĩ lại cho cẩn thận nghe!”

Nhưng vì nhất định không chịu thay đổi ý kiến và lòng tin về Kitô Giáo nên anh Giêrônimo Lư Đình Mỹ bị chém đầu ngày 28-1-1858.

Khi đầu anh Lư vừa rơi xuống, người lý hình hô to với quan lớn:
- Chúng tôi trao cuộc sống và cái chết này cho quan lớn.
Nhưng quan trả lời:
- Còn ta, ta trao phó mạng sống và cái chết này lại cho Trời Cao!
Nói rồi, quan lẩm bẩm một mình:
- Rất tiếc là Lư Đình Mỹ, một người tài đức và thông minh trổi vượt như vậy, lại cứng đầu cứng cổ không chịu bỏ đạo, khiến ta buộc lòng phải trảm quyết anh!

.. Thánh Lorenzo Vương Bính (1811-1858) chào đời trong một gia đình Công Giáo Trung Hoa đạo đức. Vào thời kỳ bách hại đạo dữ dội năm 1814, Cha Mẹ Vương bị bắt và bị lưu đày, bỏ lại đàn con thơ bơ vơ mà Vương là con trai út mới lên 3 tuổi. Vương được chị cả chăm sóc, nuôi dưỡng. Không bao lâu sau, chị cả cũng bị bắt và bị lưu đày vì một mực trung thành với Đạo Công Giáo. Vương lại được dì ruột tiếp tục nuôi dưỡng. Năm 20 tuổi, Vương lập gia đình và có được 2 trai 4 gái.

Gia đình ông Vương từ đó làm ăn khá giả phát đạt. Nhưng sau một cú bị lường gạt, ông trở thành tay trắng. Dầu vậy ông không oán hận ai hết, chỉ than thở: "Của Chúa cho, Chúa cất lấy. Xin tạ ơn Chúa”. Cũng trong thời kỳ này, ông Vương được giao nhiệm vụ làm trùm họ. Ông sốt sắng chu toàn bổn phận.Ông thăm viếng người bệnh, an ủi người hấp hối, chôn cất kẻ chết và chủ sự các đám táng. Ông cũng để ý khuyên bảo những tín hữu nguội lạnh hoặc có đời sống bê bối. Ông mau mắn giúp đỡ mọi người không trừ ai. Người trong làng âu yếm tặng ông danh hiệu Ái-Nhân.

Năm 1858 ông bị bắt và bị đem ra tra hỏi. Có lẽ vì nghe nói người Công Giáo rước Mình Thánh Chúa KITÔ, điều mà người ngoại giáo không thể nào hiểu được, quan hỏi ông Vương: "Ông 'ăn đạo' phải không? Và ông đến đây để rao truyền đạo giáo này, làm hư hỏng dân làng hết cả!” Ông Vương trả lời: "Tôi không ăn Đạo Thánh tôi, nhưng thực hành Đạo và tuyên xưng Đạo”. Quan lại hỏi: "Thực hành Đạo và tuyên xưng Đạo nghĩa là gì?” Ông Vương đáp: "Nghĩa là tuân giữ 10 Điền Răn Chúa dạy”. Rồi ông Vương đọc một hơi: "Thờ phượng Một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự / Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ / Giữ ngày Chúa Nhật / Thảo kính cha mẹ / Chớ giết người / Chớ làm sự dâm dục / Chớ lấy của người / Chớ làm chứng dối / Chớ muốn vợ chồng người / Chớ tham của người”.

Quan hỏi: "Trong Đạo của ông, nếu một người cầu nguyện riêng, lời cầu của người đó có hữu hiệu không?”. Ông Vương đáp: "Có”. Quan lại hỏi: "Vậy tại sao ngày Chúa Nhật, các người Công Giáo lại họp nhau cả nam lẫn nữ, để cùng đọc và hát kinh? Như vậy chắc chắn là để bày mưu cách mạng, hoặc là để phạm những tội tày trời”. Ông Vương trả lời: "Đạo Công Giáo là Đạo Thánh và chính trực. Đạo không thể sai khiến con người làm điều sai lầm, điều dữ”. Quan hỏi lại: “Nếu Đạo Công Giáo là Đạo tốt lành, tại sao các người nam và người nữ họp nhau để đọc kinh làm gì? Chắc chắn là các người có những ý đồ đen tối, xấu xa”. Ông Vương giải thích: "Tôi theo Đạo Công Giáo vì Cha Mẹ tôi truyền lại cho tôi. Ông bà chúng tôi đã dạy tôi cách cầu nguyện này. Tôi không thể nào bỏ đọc kinh được. Hơn nữa, đâu có ai cấm các người không Công Giáo tôn thờ các thần tượng của họ? Vậy tại sao quan lại truyền cho tôi phải bỏ Đạo? Tôi tuyên bố không bỏ và không bao giờ hối hận vì đã theo Đạo”.

Vì cương quyết không bỏ Đạo Công Giáo nên ông Lorenzo Vương Bính bị chém đầu ngày 28-1-1858 hưởng dương 47 tuổi.

.. Thánh nữ Agata Lâm Chiêu (1817-1858) sinh tại huyện Thanh Long, tỉnh Quí Châu. Thân phụ cô cũng từng bị giam cầm trong 3 năm trời vì tội theo Đạo Công Giáo.

Nhận thấy đức hạnh hiếm có của cô, các Cha Thừa Sai xin cô đi đến một cứ điểm truyền giáo xa xôi ở miền quê để vừa dạy chữ vừa dạy giáo lý cho các thiếu nữ trong vùng. Agata Lâm Chiêu vui vẻ nhận lời. Cô khiêm tốn nói: "Các Thừa Sai đã bỏ quê hương đến đây rao giảng Tin Mừng cho dân tộc tôi. Chẳng lẽ tôi là một người tội lỗi, lại dám từ chối chịu đau khổ vì danh Chúa và giúp đỡ các ngài trong công cuộc rao truyền ơn cứu độ, cứu giúp các linh hồn sao?”

Năm 1858, vào thời kỳ bắt đạo của Trung Hoa, Agata Lâm Chiêu bị bắt cùng với hai nam tín hữu Kitô khác. Bị điệu ra trước tòa, quan hỏi: "Lâm Chiêu là tên của cha mẹ ruột cô hay là tên bên họ nhà chồng?” Agata Lâm Chiêu đáp: "Đó là tên cha mẹ ruột tôi, vì tôi không có chồng”. Quan hỏi: ”Tại sao cô được miễn lập gia đình?” Cô Lâm Chiêu đáp: "Tôi là thiếu nữ nghèo và bình dân nên tôi giữ mình trinh khiết”. Quan la lớn: ”Cái gì là 'giữ mình trinh khiết'? Ai cũng phải lập gia đình. Cô không lập gia đình tức là cô phá vỡ một trong 5 liên hệ: vua-tôi / cha-con / vợ-chồng / anh-em / bạn bè. Ai gởi cô đến đó và đến để làm gì?” Agata Lâm Chiêu đáp: "Tôi đến để dạy học”. Quan lại hỏi: "Cô dạy gì? Có phải cô dạy rằng: mọi người đều là bụi đất hết phải không?”. Cô Lâm Chiêu trả lời: "Tôi dạy các thiếu nữ học biết ngôn từ, lễ độ, hầu kiếm được người chồng đàng hoàng và biết ăn nói với gia đình nhà chồng. Tôi cũng dạy các thiếu nữ biết vâng phục và kính trọng người khác theo đúng địa vị của mỗi người”.

Quan nói: "Với tư cách là quan lớn, ta truyền cho cô phải bỏ đạo xấu xa kia đi”. Cô Lâm Chiêu mạnh mẽ thưa: "Làm sao tôi bỏ Đạo được. Đây là Đạo của tổ tiên ông bà tôi truyền lại. Tôi là thiếu nữ nghèo, bình dân và là một trinh nữ. Tôi thờ lạy Thần Linh Tối Thượng và là Chủ Tể muôn loài. Tôi không thể bỏ Đạo tôi theo được”.

Quan lại nói: "Thật là dại dột, không chịu nghe lời quan lớn. Vì thế ta truyền lệnh xử tử cô. Cô có hiểu rõ điều ta nói không?” Nói rồi, quan lấy bút viết: "Phụ nữ tên Lâm Chiêu, vì rao giảng và tuân giữ Đạo Chúa, nên bị tử hình”.

Tên lý hình tiến lại gần cô Agata Lâm Chiêu. Anh ta định lột áo, nhưng cô Lâm Chiêu giữ chặt áo và nói: "Tôi thà bị đánh ngàn cú, còn hơn bị lột áo”. Tên lý hình đành để cô yên và tuốt gươm chặt đứt đầu cô. Hôm ấy là ngày 28-1-1858. Thánh nữ Agatha Lâm Chiêu hưởng dương 41 tuổi.

... Thánh nữ Luxia Dị Trinh Mỹ (1813-1862) chào đời tại Miên Dương tỉnh Tứ Xuyên, trong một gia đình Công Giáo và là con út. Ngay từ hồi 12 tuổi, cô đã khấn hứa giữ mình đồng trinh. Lớn lên, cô làm giáo viên trường làng vừa là giáo lý viên ở Miên Dương, rồi sau đó theo anh làm bác sĩ và mẹ tới sống ở Trùng Khánh. Vài năm sau, gia đình cô lại dọn về Quí Dương, và tại đây, cô cũng nhiệt thành thi hành các công tác truyền giáo.

Năm 1862, cô Dị Trinh Mỹ cùng với Linh Mục Thừa Sai người Pháp Jean Pierre Néel mở một cứ điểm truyền giáo ở Gia Sơn Long. Nhưng chỉ ít lâu sau, ngày 18-2 năm đó, có cuộc bách hại Công Giáo do quan tổng đốc Quí Châu phát động, cô Luxia Mỹ bị bắt và điệu ra trước tòa. Quan bảo cô hãy chối Đạo và lập gia đình. Luxia Trinh Mỹ trả lời: "Tôi không chối Đạo. Tôi không bao giờ từ bỏ danh xưng tín hữu Công Giáo. Tôi cũng không lấy chồng. Tôi đã hơn 40 tuổi rồi. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn hằng trung tín với Chúa. Tôi muốn mãi mãi là trinh nữ của Ngài. Tôi đã nói với quan rồi. Bây giờ tôi xin nói lại lần nữa rằng: tôi không lấy chồng cũng không chối Đạo!”

Thấy không dụ dỗ nổi cô Luxia Trinh Mỹ, quan nghĩ ra kế gọi một 'bà mai' đến. Theo thói tục Trung Hoa, các 'bà mai' vừa có nhiệm vụ "mai mối” cho các đám cưới, vừa mua các cô gái rồi bán lại cho ai muốn cưới làm vợ. 'Bà mai' quan chọn đến dụ dỗ cô Trinh Mỹ rất may là người chính trực. Dĩ nhiên bà không phải tín hữu Công Giáo.. Bà không đá động gì đến chuyện cưới hỏi, chồng con, chỉ khuyên cô chối Đạo. Nghe vậy, cô Luxia Dị Trinh Mỹ thở dài đáp: "Không lẽ bà lặn lội từ xa đến đây để chỉ khuyên tôi mấy lời này sao? Bà biết không, người Công Giáo chúng tôi không thay lòng đổi dạ nhanh chóng như vậy đâu! Chúng tôi trung thành với Đức Tin cho đến cùng. Tôi thà chết chứ không xa lìa Thiên Chúa của tôi”.

Sáng ngày 18-2-1862, cô Luxia Mỹ lại bị điệu ra trước tòa. Quan hỏi: "Suốt đêm qua, cô đã suy nghĩ kỹ chưa? Cô quyết định như thế nào?” Cô Luxia Mỹ đáp: "Tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa. Tôi chỉ còn bước một bước nữa là được vào Thiên Đàng. Không lẽ tôi ngu dại bước lùi lại và chối bỏ Đức Tin Công Giáo sao?” Xấu hổ trước lời lẽ cứng rắn của một phụ nữ Công Giáo, quan tức giận thóa mạ: "Mày là vợ của Linh Mục!” Ghê tởm trước lời thóa mạ, cô Trinh Mỹ nói như thét lớn: "Tôi không phải vợ Linh Mục. Linh Mục cũng như tôi, chúng tôi thề hứa giữ mình trinh khiết trọn đời”. Càng nổi giận hơn, quan ra lệnh: "Lính đâu, cởi hết áo quần cô này ra!” Cô Luxia Mỹ vừa giữ chặt áo vừa nói với quan:

- Quan cũng như tôi, chúng ta đều có một NGƯỜI MẸ. Để kính trọng hương hồn thân mẫu quan, xin quan đừng nỡ làm sỉ nhục tôi!

Động lòng trước lời van xin, quan ra lệnh để nguyên áo quần của cô, nhưng truyền lính chém đầu cô. Sau ba lát gươm, đầu cô trinh nữ Luxia Dị Trinh Mỹ rơi xuống, hồn bay thẳng lên chốn trời cao, nơi cô hằng ước nguyện tưởng nhớ .. (Adrien Launay, "Les 35 Vénérables serviteurs de Dieu”, Paris 1907)


Bấm vào đây trở về “Tin YÊU Và Hy Vọng Của Kitô Giáo”

Gương CHỨNG NHÂN